Phần I Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng
Namo Buddhaya
MC1: Con ............... (...................... điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay ngày 06 tháng 08 năm 2006 Phật lịch 2550. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, giờ Houston 7:30 đến 10:00 sáng, giờ NY từ 8:30 đến 11:00 sáng, giờ Cali 5:30 đến 08:00 sáng, giờ Paris 2:30 đến 5:00 chiều, giờ Sydney 11:30 tối đến 2:00 sáng.
Kính thưa quý vị hôm nay chúng ta sẽ có 100 CÂU HỎI MÙA VU LAN - Ngày thứ Năm với 10 câu hỏi chủ đề Tình Người do TT Giác Đẳng hướng dẫn.
Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.
Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hạnh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay. Namo Buddhaya
(Đại Đức Minh Hạnh)
Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.
Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.
Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________
(MC1: .................... (................ điền khuyết) )
Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng
Bài học hôm nay:
NGÀY THỨ TƯ
10 Câu hỏi về Tình Người
____________
Câu 1 (Sư Trưởng trả lời - Tinh Tấn type lại)
Hỏi: Tâm từ bi có gì khác và có gì giống với sự yêu thương được nói theo thường thức ?
Đáp: Chúng tôi xin có vài lời như cách luân khởi hay dài dòng một chút, VN có những từ ngữ mà khi tôi gẫm cũng hay, mà tôi có tật hay chơi chữ, đâm hoàn vào chữ kia, những gì tôi sắp nói có lẽ chắc không giống trong tự điển. Tiếng VN mà tôi thường hay nói đùa mà tôi cảm thấy hay hay có ý nghĩa riêng theo của tôi. Khi nói đến chữ “tiền” thì người ta nghĩ đến “tiền tệ” mà chữ “tình” thì cũng là “tình tệ”. Ở đây tôi hiểu nghĩa chữ “tệ” giống như “tệ hại” và “tình” cũng là tệ, do đó khi có tiền thì người ta nghĩ đến tình, có tình thì nguời ta nghĩ đến tiền, nên cả hai tình, tiền đều tệ cả. Đó là từ ngữ mà chúng ta sử dụng ở đây để được nói lên ý nghĩa mà chúng tôi muốn nói, có thể tạm xem như bất chấp văn tự đi là để chúng ta diễn đạt ý nghĩa tại sao vậy. Vì chữ “Từ Bi” đối với Phật Giáo, khi mà ai ca ngợi Đạo Phật là đạo Từ Bi thì tôi cảm thấy hình như có cái gì hơi nhột nhột, hơi ngứa ngứa cần cổ, nhưng cũng có lúc cần thiết hợp thời giải thích, đôi khi không cần thì thôi, nói ra sợ đụng chạm. Đúng ra chữ “Từ Bi Hỷ Xả” thì tứ vô lượng tâm này trong Đạo Phật vẫn được nói đến, mà chúng tôi nhớ đến vị Bổn Sư của tôi thường nói: “Tứ vô lượng tâm này chỉ để xã giao với chúng sanh”, nhờ có tứ vô lượng tâm, rồi tứ nhiếp pháp, đó là cách vừa xã giao với chúng sanh, mà cũng để làm việc với chúng sanh hơi có ướt át một chút, thấm thấm một chút để dễ làm việc, nếu khô khan quá thấy như là cái đạo vô tình. Như vậy, chữ “từ bi” này mà còn không phải là cốt lõi của Đạo Phật, mà Đạo Phật nếu nói trên phương diện căn bản là phải nói là trí tuệ. Chính vì trí tuệ này mới đưa đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát, và chữ “Từ Bi” trong Phật giáo, thì chúng ta được biết, nói theo A Tỳ Đàm, “Từ” là tâm sở “Vô Sân”, “Bi” cũng là “Tịnh Hảo”, và hai tâm này nằm trong phạm vi những tâm tịnh hảo hay Sobhana là tâm tốt hay tâm tốt đẹp. Còn chữ Tanhā hay ái, Lobha là tham thì nó nằm trong loại tâm tham mà tham nằm một trong ba loại tâm bất thiện. Do đó chúng ta phải phân biệt giữa từ bi với tình cảm, tình thương v..v… không khéo giống như người ta bắt nhầm con rắn hổ xậy mà tưởng con rắn buông sún rất là nguy hiểm. Và đường tơ kẻ tóc này người ta sẵn sàng bước qua biên giới đó có thể một vài gan vài tất thêm nữa, khi nói đến tình thương thì người ta ca ngợi như một cái gì thiêng liêng. Quả thật vậy, nếu như Đạo Thiên Chúa thì người ta sẵn sàng nói Jesus là tình yêu là thượng đế hay là thượng đế là tình yêu, điều này chúng ta không có gì để bàn bởi vì mỗi tôn phái hay tôn giáo người ta có lập luận riêng. Nhưng nếu nói theo Đạo Phật thì phải nói đến đạo giải thoát mới là căn bản là cốt lõi chứ không phải là nói đến từ bi hỷ xả mặc dù từ bi hỷ xả là đặc tính của phạm thiên không có liên quan gì đến tham ái, nhưng vẫn xem đó là chế định. Tại sao ? Bởi vì Từ Bi Hỷ Xả phải bắt cảnh chế định tức là lấy chúng sanh làm đối tượng, chúng sanh đau khổ, chúng sanh hạnh phúc v..v… từ đó mới khởi lên trạng thái tâm từ bi hỷ xả này. Như vậy, ở đây chúng tôi nói trước cái tinh túy cái cốt lõi của Đạo Phật trước chứ không hề có ý phủ nhận gì cả, và thứ đến hỏi về tâm từ bi có gì khác, có gì giống với sự yêu thương được nói đến đây không ?. Nếu yêu thương được nói đến như một sự trìu mến thì nó phát xuất từ tham ái, điều này từ bi với tham ái cách biệt nhau quá rõ ràng, không giống nhau. Nhưng trạng thái hơi giống nhau ở cử chỉ hay hành động tương đối nào đó, thí dụ như tâm từ quá mạnh thì hơi gần giống như tâm tham ái quá nhẹ, thì hai cái này hơi gần giống với nhau. Nếu tâm tham quá mạnh thì nó có rõ nét v..v.. do đó nên là tâm tham quá nhẹ thì so với tâm từ hơi khá mạnh thì hai cái gần giống như nhau. Qua những câu chuyện thí dụ mà thí dụ thì không hẳn là sự thật, Đức Phật đã thí dụ như trong bài kinh Từ Bi, giữ gìn như mẹ giữ con, như từ mẫu đối với người con, đây là nói lên thí dụ người có tâm từ bảo vệ như vậy. Cũng giống như đề mục hơi thở thì Đức Phật cũng có cho thí dụ người gìn giữ đề mục hơi thở đó cũng giống như là một vị hoàng hậu gìn giữ bào thai Chuyển Luân Vương, tức là biết bào thai này là sẽ sanh ra vị Chuyển Luân Vương thì bà mẹ hết sức là gìn giữ. Tình mẫu tử đương nhiên là có sự yêu thương rồi, nhưng nếu cái thai đó là thai của vị Chuyển Luân Vương thì càng quý trọng hơn, như vậy, với một người hành giả tu tập về hơi thở, gìn giữ đề mục mình một cách trân trọng, thường xuyên, luôn luôn hết sức là cẩn trọng. Đã là thí dụ, thì từ thí dụ chúng ta hiểu ý nghĩa, cũng vậy, tu tập về tứ vô lượng tâm, Từ Bi Hỷ Xả này cũng như là bà mẹ yêu thương người con, gìn giữ đứa con không xa lìa, đó là nói về đề mục Từ Bi Hỷ Xả mà chúng ta được hiểu đến, đó là một điều mà chúng ta thấy như là gần gần giống như nhau. Còn qua vấn đề tình thương trìu mến này, đối với con người hay nhân loại ngày nay cũng đặt nặng vấn đề tình cảm tình thương này nhưng được phát xuất một cách rất là hồn nhiên hay gần như là thường cận y duyên, bởi vì không phải loài người mới có tình thương trìu mến, mà loài thú cũng có loại yêu thương trìu mến này, tình mẹ con giống nhau giữa loài thú và loài người không khác. Ở loài thú, chúng ta khó phân định được loài thú có tu tập tứ vô lượng tâm là từ bi hỷ xả, nhưng mà loài thú chắn chắn có sự yêu thương, loài thú chắc chắn có sự luyến ái. Điều điển hình nhất là chúng ta biết như trong câu chuyện mà nhắc về Đức Bồ Tát trong quá khứ, có một kiếp Ngài sanh làm con chim trống, Bà Da Du Đà La sanh làm con chim mái. Khi lửa rừng cháy đến thì cả hai con chim trống chim mái vẫn thương mến con, và lúc đầu cả hai con chim này có sự cam kết với nhau thà là sống chết ở lại với con chứ bỏ con đi không đành, nhưng khi lửa cháy tới thì nóng quá, con chim trống bay lên bỏ lại, con chim mái không phải vì giữ trọn lời hứa lời nguyện, nhưng vì tình thương mẫu tử, tình yêu thương này đặc biệt nên con chim mái không bỏ đi, cuối cùng ở lại chết với những con chim con. Câu chuyện được kể sau kiếp luân hồi đó, khi mà con chim mái chết về sau sanh lên làm người, sanh làm một người con gái, thì tình hận là bất cứ người đàn ông nào cô cũng không thích nói chuyện vì cô nhớ câu chuyện quá khứ một người chồng rất là yêu thương tin tưởng, thế mà cuối cùng như là nuốt lời bỏ bà trong kiếp đó. Nên về sau kể cả cha cô gái cũng không chịu nói chuyện nữa, thành riết rồi ông cha mới giận con gái ông không chịu nói chuyện bất cứ người đàn ông nào, con trai nào trong thôn xóm từ nhỏ tới lớn, kể cả người cha cũng không chịu nói chuyện nữa. Ông cha vừa giải quyết vấn đề gia đình cho con và cũng hơi bực bội nên ông có thông báo nếu bất cứ thanh niên nào, đàn ông nào mà làm con gái ông chịu nói chuyện thì ông sẽ gả cho người đó, bất cứ người nào tuổi tác lớn hay nhỏ ông cũng sẽ gả. Tin đồn thông báo nên nhiều người thanh niên đàn ông đến để mà gặp nhưng cũng không bao giờ được cô gái này tiếp chuyện cả. Bồ tát cũng nhớ đến kiếp chuyện xưa cũng xin đến với một điều kiện biểu người cha phải làm như vậy như vậy … tức là để một phòng khách phía bên ngoài, nói để cho cô gái kia bên trong nghe được. Khi mà ông cha hỏi cậu khó khả năng nào mà nói chuyện với con gái tôi được thì tôi sẽ gả con gái tôi cho cậu, thì người thanh niên này là tiền thân của Đức Phật mới nói: “Tôi thấy ông ra điều kiện như vậy tôi đến cho biết thôi chứ tôi không ưa đàn bà, người đàn bà là người giả dối, người đàn bà hữu thủy vô chung, người đàn bà miệng nói một nơi mà làm một ngã. Tôi nhớ có một kiếp nọ là tôi sanh làm con chim trống với chim mái, trong lúc đó có những con chim con, lửa rừng cháy thì tôi với con chim mái, hai vợ chồng mới hứa với nhau là bỏ con không có đành, như vậy dầu cho sống thì cùng sống, chết thì cùng chết, con chim mái cũng hứa. Nhưng mà rồi khi lửa rừng cháy tới thì con chim mái nóng quá nó bay lên bỏ đi, thành ra tôi phải ở lại tôi chết với con tôi nên bây giờ tôi ghét người đàn bà lắm. Con chim mái nó bỏ chồng bỏ con, nó đi chổ khác kiếm con chim trống khác, nó bỏ cha con tôi bị lửa cháy nên bây giờ tôi không có ưa đàn bà, đàn bà vầy đàn bà kia thật là …xấu.” Trong lúc nói như vậy, cô tiểu thơ kia lại nhớ lại tiền kiếp cô hận người đàn ông không chịu nói chuyện, tức quá cô vén màng cô mới nói: “ông đừng có nói ngược! Chính người nói mà không chịu giữ lời người phản bội đó chính là ông v..v..” thì Bồ Tát và người cha của cô gái này cười xòa lên vì đã thực hiện được lời giao kết nếu cô gái nói chuyện với người nào thì ông cha gả. Thế là cô cũng thoát khỏi lời nguyện, cuối cùng cũng phải làm vợ Bồ Tát kiếp nữa. Câu chuyện này cũng khá vui, nhưng mà dù câu chuyện có thật hay ngụ ngôn đi nữa cũng cho chúng ta thấy rằng tình thương luyến ái mẫu tử không phải người ta mới có mà con thú cũng có tình thương luyến ái đó như vậy. Điều này không nói đến kinh sách đâu xa, cách đây mấy năm, khi tôi về dưới quê ở Vĩnh Long, có lần bên xóm người ta xin cây dừa để làm cái cầu thì khi tôi cho, tôi cho đốn cây dừa để làm cầu. Lúc cây dừa ngã, cũng giống như câu chuyện Bồ Tát kiếp chim như vậy, chính mắt tôi thấy rõ cây dừa chưa kịp ngã thì con chuột đực đã nhảy xuống cái ao trước rồi. Đến khi cây dừa ngã xuống, đập xuống thì trong ổ chuột trên cây dừa có ba con chuột con, hai con văng ra ngoài bị thương, có một con còn nguyên vẹn vì chính con chuột cái ôm ổ con, mà không bảo vệ được khi cây dừa đập xuống quá mạnh văng ra hai con và bị thương, còn một con vẫn còn nguyên. Bao nhiêu người họ thấy và họ chạy lại nói: “chuột, chuột”, lúc bấy giờ tôi vừa nghe tôi liền la lên sợ mấy người kia đập: “đừng có đập, đừng có đập nó”. Lúc tôi vừa đến, tôi vừa nhìn vô, lập tức con chuột nhảy lên, lúc đó tôi mặc hồng sắc thì con chuột nhảy lên hồng sắc của tôi, nó đeo. Tôi mới chỉ cho mấy người chung quanh xóm cũng khoảng mười mấy người đàn ông thanh niên xin cây dừa để làm cầu. Tôi nói: “Các vị thấy không, bao nhiêu người sao nó không đeo, mà nó lựa tôi tới nó mới đeo, nó cũng biết ông Sư là có lòng Từ Bi”, và rồi tôi để nguyên như vậy, tôi đi ra chổ cái ao, tôi tới đám cỏ có con chuột đực nhảy xuống trước đó, tôi nói: “Chổ này an toàn này con, xuống đi”, thì vừa nói là con chuột cái nhảy xuống đám cỏ. Tôi vô lấy cái miểng dùa, tôi hốt cái ổ chuột đó, hai con chuột văng ra và con chuột còn nguyên tôi để vào đó. Tôi đem ra ngoài đám cỏ tôi kêu: “ Mấy em đây nghe hông, hai vợ chồng lát coi đem về đứa nào bị thương lo thuốc men, còn đứa còn nguyên đây nghe hông…”. Tôi nói như vậy rồi đi dùng cơm trưa, đến khi một hai giờ tôi ra, thì coi lại ổ chuột vẫn còn nhưng ba con chuột con đã mất. Rõ ràng, con chuột vẫn biết và nó biết nghe được, nó đã đem con nó đi. Đây là câu chuyện trước mắt tôi thấy rõ ràng chứ không phải như câu chuyện Bồ Tát trong quá khứ như trên. Hình như dạng đàn ông của chúng ta hình như có như vậy đó, làm gì làm không có thương ai cho bằng thương ta, đến lúc cây dừa ngã đến lúc lửa cháy thì phải vọt trước cái đã! Rồi hãy hạ hồi phân giải! Đó có lẽ đàn ông sống về lý trí, còn người nữ thì đa số nặng về tình cảm, dầu cho loài thú như con chuột, con heo, con bò v…v…. con chó mà khi chúng ta đi gần, khi mà chúng có những con chó con, đụng đến con nó đôi khi nó ra cắn cũng có nữa. Tôi có bị một dấu thương, con chó cắn hồi còn nhỏ vô tình tôi đi gần thôi mà nó tưởng đến bắt con nó, nó chạy ra cắn. Điều đó rõ ràng, thậm chí đến con vịt mà chúng ta thấy như là vịt xiêm, bình thường rất sợ người ta, nhưng khi nó có bầy con rồi mà đi gần nó, nó sẵn sàng chạy ra đá lại liền. Tôi cũng bị vịt đá một hai lần. Điều này chúng ta thấy tình thương, nhất là tình mẫu tử này không có gì là đặc biệt, dầu là loài người có tình thương, loài thú cũng có tình mẫu tử, tình thương này bao huyện dầu cho loài thú không hề biết lý tính, không hề biết đạo đức, hay không biết kinh sách mà tự nhiên bản chất mẹ thương con là tự nhiên cố hữu rồi. Như vậy chúng ta giải thích vấn đề tình thương, Từ Bi, hai lãnh vực, hai khía cạnh bên ngoài có thể giống với nhau qua những câu thí dụ như gìn giữ đề mục Từ Bi như mẹ giữ con, nhưng mà tình yêu thương luyến ái khác với tâm Từ Bi vì Từ Bi là tâm hòa dịu đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt kẻ thân hay sơ. Dầu Đề Bà Đạt Đa là kẻ phản đồ vẫn nhìn nhận Đức Phật xem Đề Bà Đạt Đa không hơn gì Rāhula và Rāhula không hơn gì Đề Bà Đạt Đa, nghĩa là tâm của Ngài đối xử với trạng thái khi nào cần làm thì Ngài sẽ làm, cho Đề Bà Đạt Đa xuất gia cũng như cho Rāhula một Thánh sản xuất gia. Đó là trạng thái tâm từ rất rõ ràng, nhưng mà tâm từ này như đã nói, lấy chúng sanh làm đối tượng tức là hình thức chế định, còn căn bản nói đến danh sắc hay ngũ uẩn, trong đó không nói đến vấn đề Từ Bi Hỷ Xả này, quán danh sắc là danh sắc, ngũ uẩn là ngũ uẩn. Như vậy, chúng ta tương đối phân tích thế nào là cốt lõi của Đạo Phật, thế nào là phương tiện của Đạo Phật, mặc dầu phương tiện đó nhưng có ranh giới hẳn hòi. Từ Bi Hỷ Xả khác với tâm tham ái mà gọi là tình thương .v..v… nhưng trong tình thương đó, người ta còn nói đến chữ ái phân ra nhiều ái, ái cao thượng theo đời như ái quốc được xem như cao thượng, hay mẫu ái tử hay con yêu thương cha mẹ thì người ta cho đó là tình yêu tốt, còn tình yêu nam nữ vợ chồng chung thủy nhau cũng được xem là tốt, nhưng luyến ái không được trong hệ thống nào đó thì xem là xấu. Ái cũng có ái thượng ái trung ái hạ nhưng ái vẫn là ái không có tâm từ, Từ là từ chứ từ không phải là ái, Từ Bi Hỷ Xả là phương tiện xả giao cho chúng sanh mà thôi, bắt cảnh chế định như vậy chứ không phải là cốt lõi của Đạo Phật. Tùy chúng ta sử dụng nhưng khéo sử dụng đừng nông nổi chúng ta đồng hóa hay giải thích một chiều nào đó rồi đi quá sâu đề cao quá đáng trở thành vô tình mà chúng ta đi ngược lại Tông chỉ của Đạo Phật. Và câu hỏi số 1 tôi xin trả lời đại ý là như vậy.
Câu 2 (Sư Trưởng trả lời - Tinh Tấn type lại)
Hỏi: Với một người tu tập, tình thương có cần thiết không ? cho mình và cho người khác ?
Đáp: Có đôi lúc tôi tự hỏi, nếu không có tình thì không sống được hay sao mà người ta phải đem chữ “tình” vô chi cho quá nhiều, bởi vì bản chất tình như tình thương, tình cảm, tôi vẫn còn là hữu tình chưa phải là vô tình, đã gọi là hữu tình thì đương nhiên vẫn còn hỷ, nộ, ái, ố, tôi vẫn còn tình thương, tình cảm … nhưng mà đây không phải là trạng thái cần đề cao! Vẫn không có chữ tình, vẫn làm việc được như tu tập, dù cho Phật tử cúng dường, mình vẫn cảm thấy hoan hỷ với tư cách như là Ngài Xá Lợi Phất nhớ ơn Ông Bà La Môn Radha sau tế độ cho vị này tu. Chắc quý vị cũng đồng ý với tôi, trạng thái nhớ ơn của Ngài Xá Lợi Phất và tư cách tế độ cho Bà La Môn Radha tu, Ngài Xá Lợi Phất không phải vì tình thương hay tình ái vì Ngài là vị A La Hán, mà chỉ là tư cách tri ân và báo ân, điều này được Đức Phật khen ngợi là với tư cách người tri ân và báo ân, là hai hạng người khó kiếm. Thành ra trong lúc tôi làm những việc Phật sự Phật Pháp đó, kiểm điểm trong tâm mình những việc làm này có liên hệ với chữ “tình” hay không, bất cứ chữ tình đi chung với chữ ghép nào đầu hay đuôi cũng được. Đôi lúc chúng tôi thấy nhiều khi không cần có chữ tình kèm theo mà vẫn làm được, thí dụ như dạy một lớp học mà tôi phải chấm thi hàng trăm Tăng Ni, cũng có những người đối đãi với tôi tốt như dâng hô, hay xả giao, hoặc có những người gởi gấm học trò v..v… nhưng mà tự nhiên tôi thấy có cái gì tình cảm vào đó thì quả thấy tình tệ, tôi không dám nghĩ mình như là Bao Thanh Thiên nhưng trong lúc chúng tôi chấm thi thì chúng tôi gạt qua tình cảm lung tung lộn xộn. Những vị thầy gởi gấm học trò hay những vị Thầy hay Sadi, Tỳ Kheo, Tăng sinh Ni sinh theo học, dù sau đó họ có buồn có ghét có thương như thế nào mặc kệ, chấm thì phải đúng điểm để mà chấm. Thậm chí những quà cáp hay những gì mà người ta dâng hộ trước hay sau hay đang lúc, đôi lúc thấy thô thiển quá thì từ chối, nếu vi tế chút thì coi như hình thức cúng dường thì cũng tạm nhận. Trong lúc tôi làm việc như vậy, đương nhiên cũng có người thương người ghét, chứ không phải hoàn toàn ghét hết, nhưng tôi không thấy cắn rứt lương tâm hay khó chịu, kể cả lúc tu thiền hay dạy học thuyết pháp v…v…. khi loại ra tình bất cứ là tình nào, tình cảm, tình thương … nói chung là tình tệ, tạm thời gác qua. Mặc dù chúng ta là hữu tình, đôi lúc quên mình chúng ta vẫn có loại tình nào đó khởi lên, thí dụ như trong thân bằng quyến thuộc con cháu mình cũng đi tu, rồi trong số Chư Tăng cũng đi tu, trên phương diện xử sự căn bản hay chia tứ vật dụng v..v… thì giống nhau không có gì khác. Người bên ngoài nhìn vào thấy mình chí công vô tư, nhưng thật tình ra người thân mình, điều này tôi không thể làm được, thí dụ như cùng Chư Tăng với nhau trong đó có những Sư là con là cháu là thân nhân, khi mà họ hữu sự, hình như tự đáy lòng khởi lên mà bình thường không để ý, quả là mình còn có cái riêng tư, con cháu mình có hơi khác hơn người không phải là con cháu mình. Điều này tôi không phủ nhận có, nhưng không vì lẽ đó mà khi làm việc hay chia tứ vật dụng mà mình có thiên vị, đó là không nên. Cho nên trong vấn đề tu tập hay hình thức nào đó như hành thiền hay thuyết pháp giảng đạo hay làm mọi công tác từ thiện v…v.... thì tôi nghĩ y cứ theo pháp mà làm, chứ không có tình vô đó. Như tôi đã nói khi nảy, không phải loài người mới có chữ tình mà loài thú vẫn là chữ tình nặng hơn nữa, nhưng loài người khác hơn loài thú nhờ có học thức, có sách có vở, nên dầu hèn cũng thể, bên trong giữa tình thương của loài người bên ngoài biết làm màu mè, che đậy không lộ liễu như loài thú. Nhưng chữ tình thương này người ta rất thích, lúc nào người ta thấy tình thương có sự ngọt ngào, thì quả thật vậy, đây là vị ngọt của sắc pháp, đây là vị ngọt của các cảm thọ, điều này Đức Phật nói rất rõ: “Đây là sắc, vị ngọt của sắc, sự nguy hiểm của sắc và sự thoát ly khỏi các sắc, thọ cũng vậy, thấy rõ thọ, thấy thú vị hay vị ngọt của thọ, thấy sự tập khởi của các thọ, thấy sự xuất ly và nhàm chán của cảm thọ, tưởng hành thức cũng như vậy.” Cái gọi là vị ngọt là cảm giác mà trong kinh nói rõ, cái gì mắt thấy tai nghe đem đến trạng thái hỷ, lạc đó thì gọi là vị ngọt. Chính hỷ lạc này là tham ái mà còn gọi danh từ là tình thương tình cảm v.v… đó là vị ngọt của ngũ trần, đối với ngũ uẩn cũng vậy. Chính vị ngọt đó, thú vị đó đưa đến nguy hiểm, ý thức được điều này, thấy nguy hiểm, tội lỗi mới nghĩ đến sự xuất ly. Nếu tu tập đến giai đoạn xuất ly rồi thì tất cả tình nào đi nữa là vị ngọt có cái nguy hiểm nên đoạn diệt chứ không phải nên phát triển. Câu hỏi trên, nếu trên phương diện xả giao, đôi lúc chúng ta làm việc chùa chiền thì nhờ phương tiện này cũng hơi dễ làm việc một chút … nếu cho đó là cần thiết chúng tôi không phủ nhận điều này, nhưng trên phương diện tu để giải thoát thì không cần có loại tình thương này. Đây là những gì tôi trình bày xem là ý riêng của tôi, chúng tôi không dám khẳng định những gì chúng tôi nói hoàn toàn là chân lý. Đó là nhận xét về tư kiến của chúng tôi đối với câu số 2 này.
Câu 3 (TK Pháp Đăng trả lời)
Hỏi: Tình cảm có thể được "huấn luyện" hay không ?
Đáp: Tình cảm có thể được huấn luyện, vì tình cảm và ly trí vẫn đang có trong ta mỗi người để kết nối và có thể dìu dắt cùng đưa đến chổ hướng thượng, nên trong hạnh phúc kinh dạy, mỗi người đều phải có phận sự tiếp độ quyến thuộc của mình, và cũng chính vì tình cảm với nhau mà mọi người cùng làm các việc lành trong các thiện sự công đức. Vì chúng sanh là hữu tình, hữu tình giác vẫn nhắc nhở nhủ khuyên và dạy dỗ, nên trong đời sống không thể tách rời tình cảm được, và làm sao tình cảm ấy luôn được hướng thượng với trí tuệ.
Hỏi: Phải chăng lý trí nhiều quá có thể làm hỏng "tình người" ?
Đáp: - Lý trí là chỉ biết phụng thờ một chủ nghĩa, học thuyết, một sự mưu tính, mưu toan…lý trí này thuộc về cực đoan ( duy lý).
- Loại lý trí kiểu này sẵn sàng hy sinh tất cả (trong đó có luôn “tình người”) để làm hoàn thành để mục đích của họ.
- Lý trí trong Phật giáo bao hàm nhiều yếu tố, phẩm chất của một bậc trựơng phu, quân tử như là: Trí tuệ - Quyết Định - Điềm Tĩnh… Người Phật giáo sống bằng lý trí, tức là ý thức rõ nghiệp báo, nhân quả, phân biệt thị phi thiện ác, sỡ hành đúng mực từ đó sẽ giúp cho cái “tình người” được thăng hoa, đạt đến chân thiện mỹ.
Câu 5 (TT Tuệ Siêu trả lời)
Hỏi: Có trường hợp nào trong cách xử sự của Ðức Phật cho thấy tình tốt hơn lý ?
Đáp: Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài viên mãn hạnh đức bi-trí, do vậy trong cách xử sự của Ngài luôn có sự khéo léo và uyển chuyển, dung hợp tình lý.
Đối với những người thiện căn, khuynh hướng tốt, thì Đức Phật đối với người ấy Ngài thường dùng cách khoan nhượng để dẫn đắt họ vào chánh đạo. Còn đối với người có khuynh hướng xấu thì Ngài nghiêm khắc khi cần dẫn dắt.
Có rất nhiều trường hợp trong cách xử sự của Đức Phật cho thấy mình tốt hơn lý. Như trường hợp Ngài tế độ công nương Yasodhara, hoặc như da xa Alavaka, hoặc như người nông dân ở Magadha. v.v... Những trường hợp ấy nếu xử sự duy lý thì không thể dẫn dắt được họ qui về chánh pháp.
Câu 6 (TK Tuệ Quyền trả lời)
Hỏi: Người ta thường xem tình cảm thuộc về cảm xúc vậy lòng từ bi trong đạo Phật có đi với trí tuệ không ?
Đáp: - Tình cảm, cảm xúc thuộc về yếu tố “tâm lý chủ quan”. Tức là xu hướng theo sự thương ghét của chính mình. Khi yêu thì lo lắng chu tòan tất cả, khi ghét thì đạp đỗ mọi thứ. Các hành xử như vậy hoàn toàn xa lạ với khái niệm Từ Bi trong Phật giáo.
- Từ (mettā) là sự trãi lòng một cách thân thiện với mọi chúng sanh (bất kể thân sơ, vô phân biệt), mong cho chúng sanh đựoc yên vui mát mẻ…
- Bi (karunā) là lòng trắc ẩn, mong muốn xoa dịu những nỗi đau đớn buồn khổ của chúng sanh. Từ đó tìm cách giúp đỡ họ vượt qua hoàn cảnh khốn khó.Từ và Bi trong Phật giáo phải được sự dẫn dắn yển trợ của Trí Tuệ. Nếu mà yêu thương hay Từ Bi mà thiếu Trí Tuệ thì chỉ làm hại đối tượng.
Câu 7 (TK Pháp Đăng trả lời)
Hỏi: Một vị A La Hán tỏ thái độ nghiêm khắc trước sự quyến luyến của tỳ kheo ni mẹ của mình điều này có xác định được rằng trong Phật Pháp không có chổ đứng của tình người ?
Đáp: Tình người không thể thiếu trong Phật Pháp, vì Phật là đấng Giác Ngộ, Chánh Pháp luôn là phương thuốc để trị các chứng bịnh cho mọi con người, vì Ngài là Bậc A La Hán nên biết mình phải dùng phương thuốc gì, để cho mẹ mình uống hầu có thể trị được cơn bịnh quá luyến ái, nên đối với Ngài Kumarakassapa, hay đối với người thực hành Phật Pháp thì tình người luôn có, và được thể hiện để giúp cho mọi người nhận chân được sự thật, và luôn tỏ rõ tình người hướng thượng.
Câu 8 (TT Tuệ Siêu trả lời)
Hỏi: Làm sao để tình cảm vượt khỏi biên cương của vị ngã ?
Đáp: Tình cảm vị ngả là do ích kỷ, ích kỷ là do tâm hẹp hòi, tâm hẹp hòi là do không khéo tác ý, không dùng trí để cân nhắc.
Nếu biết suy nghĩ và nhận thức biết rõ nguyên nhân và hậu quả thì tâm sẽ thoáng hơn, cởi mở khoan dung hơn; một người có tâm cởi mở khoan dung sẽ không có tư tưởng ích kỷ, và do vậy tình cảm của người ấy sẽ vượt khỏi biên cương vị ngã.
Mặc khác, người thường an trú tâm với từ bi vô lượng, biến mãn cùng khắp thế gian, mọi loài. Điều đó sẽ làm cho người có tình cảm vượt khỏi biên cương vị ngã.
Câu 9 (Ni Sư Liễu Pháp trả lời)
Hỏi: Có thể chăng có một thứ tình cảm chừng mực mà vẫn mạnh mẽ ?
Đáp: Có thể chăng một thứ tình cảm chừng mực mà vẫn mạnh mẽ ? Tình cảm chừng mực là tình cảm vừa phải, không đi đến mức cực đoan để trở thành mù quáng. Thường tình cảm thế gian khó có thể chừng mực mà vẫn mạnh mẽ. Phải là tình cảm đi kèm với lý trí mới có thể kết hợp hai yếu tố này. Khi từ bi đi kèm với trí tuệ, trí tuệ là yếu tố khiến cho tình cảm chừng mực không vượt quá khuôn khổ, đạo đức, còn từ bi khiến cho tâm thương yêu sâu sắc, coi chúng sanh như chính bản thân mình. Đó là thứ tình cảm khiến cho Bồ tát có thể bố thí tài sản, vợ con, tứ chi, thậm chí đến cả tánh mạng của mình vì lợi ích của chúng sanh mà vẫn không hề dính mắc vào một chúng sanh nào.
Hỏi: Làm sao để yêu thương cuộc đời mà không hệ lụy bởi trần gian ?
Đáp: Bằng cách quán chiếu ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã của các pháp, một người có thể vừa yêu thương cuộc đời mà vẫn không hệ luỵ bởi trần gian. Khi cảm thông được nổi khổ của chúng sanh, chúng ta có thể phát khởi tình thương, mong giúp họ vơi bớt những khổ ải chồng chất theo đuổi họ trong kiếp luân hồi. Mặt khác, tuy yêu thương, tuy nhiệt tình làm mọi việc để phụng sự, giáo hóa chúng sanh, vẫn thấy rõ cuộc đời này là vô thường, vô ngã, không có gì là bền vững, không có gì đáng để bám víu. Thái độ của người hiểu Đạo là làm tất cả mà không bám víu, dính mắc gì cả, như câu thơ sau đây:
Nếu mai kia còn vào sinh ra tử,
Chốn luân hồi đâu xá kể nguy nan,
Nếu giờ đây vẫy tay chào cuộc lữ,
Cát bụi này xin trả lại trần gian.
(Sư Viên Minh)
Chúng con cung thỉnh TT Giác Đẳng hướng dẫn chương trình hôm nay. Namo Buddhaya.
________________________________________
Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)
Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con ............. thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con , đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Nguyện hồi hướng phước báu pháp thí đến Ni Sư Diệu Tịnh được nhiều an lạc, tùy tâm mãn nguyện. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,
Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục ĐỀ ÁN MÙA VU LAN - 100 câu hỏi mùa Vu Lan (tt) ngày thứ Sáu với 10 câu hỏi chủ đề Nghi Lễ và Ðời Sống do TT Giác Đẳng hướng dẫn, với sự điều hợp chương trình của các Ops và MC trong room Diệu Pháp. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.
Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya
mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)
Namo Buddhaya
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Namo Buddhaya.
<< Home