<body><script type="text/javascript"> function setAttributeOnload(object, attribute, val) { if(window.addEventListener) { window.addEventListener('load', function(){ object[attribute] = val; }, false); } else { window.attachEvent('onload', function(){ object[attribute] = val; }); } } </script> <div id="navbar-iframe-container"></div> <script type="text/javascript" src="https://apis.google.com/js/platform.js"></script> <script type="text/javascript"> gapi.load("gapi.iframes:gapi.iframes.style.bubble", function() { if (gapi.iframes && gapi.iframes.getContext) { gapi.iframes.getContext().openChild({ url: 'https://www.blogger.com/navbar.g?targetBlogID\x3d12421254\x26blogName\x3dB%C3%A0i+%C4%90%E1%BB%8Dc+c%E1%BB%A7a+MC\x26publishMode\x3dPUBLISH_MODE_BLOGSPOT\x26navbarType\x3dBLUE\x26layoutType\x3dCLASSIC\x26searchRoot\x3dhttps://baidocmc.blogspot.com/search\x26blogLocale\x3dvi_VN\x26v\x3d2\x26homepageUrl\x3dhttp://baidocmc.blogspot.com/\x26vt\x3d9116706110527376988', where: document.getElementById("navbar-iframe-container"), id: "navbar-iframe" }); } }); </script>

Thứ Hai, tháng 10 31, 2005

Bài Đọc ngày thứ 2 của MC

Phần 1aLễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng
1MC
Namo Buddhaya
Con ......(..... điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn ÐứcTăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện . Hôm nay ngày 31 tháng 10 năm.2005 Phật lịch 2549. Ðây là chương trình Phật Hoc trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày. giờ VN nhằm 8:00 đến 10:30 tối, giờ Houston 7:00 đến 9:30sáng, giờ NY từ 8:00 đến 10:30 sáng , giờ Cali 5 :00 đến 7:30 sáng, giờ Paris 2:00đến 4:30 chiều, giờ Sydney 12:00 tối đến 2:30 sáng.

Kính thưa quý vị hôm nay Lớp Giảng Giải Kinh Văn chúng ta sẽ học Bài PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ TRONG KINH ĐIỂN PÀLI do Đại Đức Uyên Minh giảng giải . Sau đó là phần câu hỏi trắc nghiệm. chương trình tiếp tục với phần pháp đàm, chúng ta sẽ được nghe Chư Tôn Đức giảng giải đề tài thảo luận ,các câu hỏi và kết thúc với bản tin Phật giáo .

Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.

Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hanh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay:

(Đại Đức Minh Hanh)

Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.


Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.

Nguyện cầu uy đức Phật Bảo

Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************

(1MC : ..(.... điền khuyết)

Kính tri ân Sư Minh Hạnh.

Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng

Bài học hôm nay:

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ TRONG KINH ĐIỂN PÀLI



Dẫn nhập



Trong truyền thống Phật giáo Việt nam thì thời khoá Tịnh Độ hết sức quan trọng. Niệm Phật cầu nguyện vãng sanh là điều không thể thiếu trong các khoá công phu và cầu siêu. Bài biên khảo dưới đây là một tài liệu hiếm hoi trong sự trình bày giáo nghĩa nầy qua lăng kính của kinh điển Pali, tất nhiên là một nhận định y cứ trên các trích dẫn chánh tạng.


Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh Độ qua các kinh nói về Phật Di Đà ( Amitàbhasutra và Sukhavativyùhasutra ) từ Hán Tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh Độ hay Cực Lạc ( từ Phạn ngữ là Sukhavatì) được mô tả là một cảnh giới tuyệt vời với tất cả những thứ du dương, mát mẻ, thơm ngát và không có chuyện đói lạnh. Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà. Ngoài sự thanh tịnh có được từ việc nhất tâm trong lúc niệm Phật Di Đà, oai lực của Ngài cũng thừa sức tiếp dẫn vong linh đương sự ( tức người niệm Phật) vãng sinh về thế giới Tịnh Độ của Ngài để họ tiếp tục tu hành trong điều kiện thuận lợi hơn xưa gấp triệu lần. Trên ấy giữa người với người không hề biết tương tranh, thù hận vì ở đó không có chuyện chiếm hữu lợi danh như ở cõi Sa Bà nhiều kiếp nạn này.

Nhưng đó là theo Hán tạng, nguồn giáo lý chủ đạo của hệ Phật giáo Bắc truyền. Trong bài viết này ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pàli, nguồn giáo lý căn bản của Phật Giáo Nam phương, xem sao. Dĩ nhiên, trong Tam Tạng Pàli cũng có khái niệm Tịnh Độ ( nếu ta muốn gọi thế) với những những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những cư dân ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh Độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam Truyền.


Chúng con cung thỉnh Đại Đức Uyên Minh từ bi dẫn nhập bài học trên . Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
2MC

I- CÕI TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI



Trước hết, cõi Tịnh Độ được biết đến trong kinh điển Pàli qua danh từ Suddhàvàsa, còn được dịch là Tịnh Cư, theo lối chiết tự Suddha ( thanh tịnh) và Àvàsa ( chổ ở ). Vậy Suddhàvàsa cũng có thể được dịch là Tịnh Độ, Tịnh Thổ. Thậm chí chữ Pàli này còn gần gũi với chữ Tịnh Độ, Tịnh Thổ hơn là Sukhavati (Chốn An Lạc), một chữ chỉ có thể xem là tương đương với từ Sugati ( Lạc Cảnh, Thiện Thú) trong kinh điển Pàli, chỉ chung cho các cõi nhân thiên.

Theo các Chú Sớ A Tỳ Đàm, có tất cả 5 cõi Tịnh Độ, nằm trong 16 cõi Phạm thiên Hữu Sắc, và là chổ tái sanh của các bậc Thinh Văn Bất Lai hay còn gọi là A-Na-Hàm ( Anàgàmi, Người-Không-Còn-Trở-Lại-Các-Cõi-Dục-Giới). Tuy cảnh giới này chỉ gồm toàn các vị Bất Lai và La Hán ( chứng La Hán sau khi sanh về đây), nhưng trên căn bản vì vẫn là cõi Hữu Sắc nên ở 5 cõi Tịnh Độ này vẫn có những lâu đài, hoa viên rất trang nghiêm, dĩ nhiên không phải là nơi chốn hưởng thụ, mà đó chỉ là những dấu vết tối thiểu của một cõi Ngũ Uẩn (1). Về tuổi thọ, chư thánh Bất Lai ở cõi thấp nhất trong 5 cõi Tịnh Độ là cõi Vô Phiền ( Avihà) có thọ mạng 1000 đại kiếp, cõi kế đến là Vô Nhiệt (Àtappà) có thọ mạng 2000 đại kiếp, cõi thứ ba là Thiện Hiện ( Sudassà) có thọ mạng 4000 đại kiếp, cõi thứ tư là Thiện Kiến ( Sudassì) có thọ mạng 8000 đại kiếp và cõi Sắc Cứu Cánh ( Akanittha) có thọ mạng 16000 đại kiếp.

Do có những lúc trãi qua một thời gian quá dài không có chư Phật ra đời độ sinh, nhân số trên 5 cõi Tịnh Độ chỉ có giảm mà không được bổ sung nên cũng có những thời điểm 5 cõi này không tiếp tục tồn tại.


Chúng con cung thỉnh TT G.Đ/ DD UM / su Truong(Chư Tăng thảo luận)

--------------------------------------------------------------------------------

3 MC


II -CƯ DÂN TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI

Trước tiên là vài hàng trình bày đại lược về 4 tầng Thánh Trí làm nên 4 bậc thánh nhân và chính đức Phật cũng được kể vào đó. Sơ Quả hay Tu Đà Huờn ( Sotàpatti, Dự Lưu ), còn được gọi là Thất Lai, người không thể tái sanh quá 7 lần, là vị đã chấm dứt hoàn toàn 3 thứ phiền não Thân Kiến ( nôm na là chấp kiến trong 5 Uẩn), Hoài Nghi ( nghi ngờ về Phật Pháp nói chung) và Giới Cấm Thủ ( chấp trước các tín điều mù quáng). Ở một số vị, thánh trí Sơ Quả chỉ là một giai đoạn thoáng qua trước khi hoàn tất các tầng thánh trí cao hơn. Như trường hợp đức Phật hoặc các vị Thinh Văn tốc chứng. Nhưng cũng có lúc giai đoạn này kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm hoặc vài kiếp sống ( dĩ nhiên không quá 7 kiếp). Sớ Giải Trường Bộ ghi rằng thiên vương Đế Thích hiện nay là một vi thánh Sơ Quả. Khi hết tuổi thọ, ngài sẽ sinh xuống nhân gian làm Chuyển Luân Vương và chứng đắc Nhị Quả Tư Đà Hàm. Sau đó sanh lên Đao Lợi Thiên chứng Tam Quả A Na Hàm và lần lượt tái sanh ở đủ 5 cõi Tịnh Độ, bắt đầu là cõi Vô Phiền. Cuối cùng ngài sẽ chứng quả La Hán và nhập diệt ở cõi Sắc Cứu Cánh.

Tầng thánh trí thứ hai là Nhị Quả Tư Đà Hàm. Ngoài 3 phiền não đã chấm dứt ở tầng thánh trước, quả vị này còn làm giảm nhẹ Dục Ái và Sân Hận. Do chỉ còn có thể tái sanh cõi Dục Giới một lần nữa thôi, nên quả vị này còn được gọi là Nhất Lai ( Sakadàgàmì)

Tầng thánh thứ ba là Tam Quả A na Hàm, chữ phiên âm từ tiếng Pàli là Anàgàmi, nghĩa là bậc Bất Lai, người không còn trở lui các cõi Dục Giới nữa ( có tất cả 11 cõi Dục Giới). Theo A Tỳ Đàm Tạng Pàli thì do đã chấm dứt Dục Ái ( niềm tham luyến trong ngũ trần) và Sân Hận nên vị thánh Tam Quả trong trường hợp không thể chứng La Hán rồi nhập diệt ngay đời này thì chỉ có hai con đường để đi :

A- Nếu đã chứng đắc Ngũ Thiền thì sẽ tùy theo khả năng mạnh yếu của Ngũ Quyền ( Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) mà sanh về cõi nào đó trong 5 cõi Tịnh Độ. Tín Quyền nổi trội thì sanh về cõi Vô Phiền, Tấn Quyền hùng hậu thì về cõi Vô Nhiệt, Niệm Quyền hùng hậu về cõi Thiện Hiện, Định Quyền hùng hậu thì về cõi Thiện Kiến, Tuệ Quyền thâm hậu thì sanh về cõi Sắc Cứu Cánh ( Pàli gọi là Akanittha, Không-Thứ-Gì-Yếu-Kém). Ở cõi Tịnh Độ thứ năm này toàn bộ Ngũ Quyền đều được sung mãn, vì đây là nơi chốn sau cùng để một vị Bất Lai chứng quả La Hán và nhập diệt.


Moi vi 4MC ke tiep doc

B- Trong trường hợp vị thánh Bất Lai chưa chứng qua một tầng thiền định nào, tức chỉ có trí tuệ Thiền Quán ( Vipassanà) mà không từng tu tập thiền Chỉ ( Samatha) thì lúc mạng chung, vị này do khả năng ly dục vô sân tuyệt đối nên tối thiểu cũng thành tựu Sơ Thiền trước khi mạng chung ở cõi Dục giới và như vậy cũng đủ để sanh về cõi Phạm Thiên thấp nhất là Phạm Thiên Sơ Thiền.

Do túc duyên và trình độ tu chứng có khác nhau nên giữa các bậc thánh Tam Quả cũng có vài sai biệt, theo Manorathapurani, Chú Sớ Tăng Chi Bộ ( Phần Tika):

- Antaràparinibbàyì ( Tiền Bán Niết Bàn): vị Bất Lai chứng La Hán khi chưa sống hết phân nửa thọ mạng cõi Tịnh Độ nào đó trong 5 cõi.

-Upahaccaparinibbàyì ( Hậu Bán Niết Bàn): Chứng La Hán sau khi sống hơn nửa thọ mạng ở cõi Tịnh Độ nào đó.

- Uddhamsoto Akanitthagàmì ( Luân Lưu Niết Bàn): Do căn tánh không xuất sắc, có vị Bất Lai phải lần lượt sanh đủ 5 cõi Tịnh Độ mới chứng quả La Hán rồi nhập diệt ở cõi Tịnh Độ cao nhất.

- Asankhàraparinibbàyì( Bất Lao Niết Bàn): Vị Bất Lai có thể chứng La Hán mà không cần nhiều cố gắng.

- Sasankhàraparinibbàyì ( Cần Lao Niết Bàn) : Vị Bất Lai phải nhiều nổ lực mới có thể chứng La Hán.

Tầng thánh trí thứ tư chính là quả vị La Hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não. Theo A Tỳ Đàm Pàli thì có 3 quả vị La Hán : Chư Phật Chánh Đẳng Giác ( sammàsambuddha hay Sabbannubuddha- Toàn Giác) cũng là những vị La Hán nhưng do tự mình chứng đắc và là đạo sư hướng dẫn cho những người hữu duyên chứng đắc La Hán. Những vị La Hán đệ tử này được gọi là Thinh Văn Giác ( Sàvakabuddha). Quả vị La Hán thứ ba là Độc Giác Phật ( Paccekabuddha), những vị tự mình chứng ngộ La Hán nhưng không thể hướng dẫn người khác chứng ngộ La Hán. Kinh điển Hán Tạng còn gọi Độc Giác Phật là Duyên Giác Phật vì cho rằng các ngài nhờ liễu ngộ nguyên lý Duyên Khởi mà giác ngộ ( cách nghĩ này bắt nguồn từ những giai thoại về chư Phật Độc Giác trong Chú Sớ Tiểu Bộ Kinh, một trong những bộ phận kinh điển từng làm nền tảng cho nhiểu kinh luận hậu tác, ai từng đọc kỹ các bộ A Hàm sẽ thấy rõ điều này). Kỳ thực, nếu đọc kinh Đại Duyên trong Trường Bộ Kinh, ta sẽ thấy lý Duyên Khởi và lý Tứ Đế ( vẫn bị hiểu lầm là dành riêng cho Thinh Văn) vốn dĩ chỉ là một. Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật đã xác định ai thấy lý Duyên Khởi chính là thấy Pháp và ngược lại. Đồng thời, không hề có chuyện một người giác ngộ lý Tứ Đế mà lại mơ hồ về lý Duyên Khởi hay ngược lại. Tất cả quả vị La Hán vừa nêu trên đây luôn giống nhau về khiá cạnh giác ngộ các pháp cần yếu ( như Tứ Đế, Duyên Khởi,..), chỉ khác ở hai điểm chính : Tự mình hiểu ra hay phải nhờ thầy hướng dẫn, và điểm thứ hai là ngoài trí tuệ giác ngộ có còn khả năng hiểu biết sâu rộng những gì nằm ngoài lý tưởng giác ngộ hay không. Xét về khía cạnh này, chỉ có chư Phật Chánh Đẳng Giác là viên mãn. Trong bài viết này chúng ta chỉ đặc biệt nhấn mạnh quả vị Bất Lai, vì đề tài ở đây là các cõi Tịnh Độ.


Chúng con cung thỉnh TT G.Đ/ DD UM / su Truong(Chư Tăng thảo luận)
--------------------------------------------------------------------------------


5 MC

III- PHÉP VÃNG SANH TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI

Vãng sanh vẫn được dùng song song với chữ siêu sanh, nhưng theo tinh thần A Tỳ Đàm Pàli mà nói thì Siêu Sanh còn có thể được hiểu là vượt thoát tái sanh, một điều chỉ thực hiện được bởi một vị La Hán. Như vậy trong trường hợp vị Bất Lai sanh về các cõi Tịnh Độ chỉ có thể gọi là Vãng Sanh. Và nếu phải trả lời câu hỏi về con đường vãng sanh Tịnh Độ, thì như tất cả những gì vừa nêu phần trên, ta hoàn toàn có thể nói rằng Vãng Sanh Tịnh Độ chỉ là một phần đường trên hành trình giải thoát của một vị Thinh Văn, và như thế cái gọi pháp môn Tịnh Độ hay con đường vãng sanh trong trường hợp này cũng đồng nghĩa với hành trình Tam Học, hành trình Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, nói chung là hành trình 37 Bồ Đề Phần. Các pháp trong 37 Bồ Đề Phần đối với nhau chỉ là mối quan hệ Tương Tức : Cái này chính là cái kia, trong cái kia có cái này.

Đã nói rõ ràng như vậy thì lời đáp cho câu hỏi về con đường vãng sanh lúc này đã là toàn bộ những gì mà ta vẫn gọi là Phật Pháp và theo cách hiểu này, pháp môn Tịnh Độ cần thiết cho tất cả mọi người, chỉ trừ những vị nuôi hạnh Bồ Tát, muốn trở thành một đức Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai. Một khi đã chấp nhận ghé bến Tịnh Độ thì không thể đi xa hơn nữa. Bởi theo kinh điển Pàli chỉ có hàng Thinh Văn mới có thể rơi vào trường hợp kéo dài thời gian sau khi chứng ngộ một quả vị Hữu Học nào đó, chỉ vì khiếm khuyết túc duyên. Bởi rõ ràng 5 cọi Tịnh Độ chỉ là trạm trung chuyển cho những người chậm bước và điều này dĩ nhiên không thể xảy ra đối với chư Phật.

Đồng thời, chiếu theo tinh thần căn bản của Phật Giáo mà nói thì khi nhắc đến pháp môn Tịnh Độ, ta còn phải định nghĩa lại chữ CẦU trong CẦU VÃNG SANH vì Cầu Vãng Sanh không hề có nghĩa là chờ đợi sự tiếp dẫn của bất cứ ai, mà phải là sự lên đường bằng chính đôi chân của mình. Vì sao lại thế ? Xin thưa : Khi ta nói ai đó đã sáng thế có nghĩa là ta đang gián tiếp nguyền rủa kẻ đã tạo nên một thế giới khổ nhiều hơn vui, và khi ta cường điệu cái gọi là oai lực gia trì của chư Phật có nghĩa là ta đang thầm trách các Ngài khi Phật lực thì trùng trùng nhưng người khổ vẫn cứ điệp điệp. Mong thay !





(1) Theo A Tỳ Đàm Pàli, trong cái gọi là thế giới này gồm có 31 cõi với 11 cõi Dục giới ( có đủ 5 uẩn), 16 cõi Sắc giới ( trong đó có cõi Vô Tưởng, chỉ có Sắc uẩn mà thôi), và 4 cõi Vô Sắc ( chỉ có 4 uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức).



TÀI LIỆU THAM KHẢO



Xin xem thêm trong các sách Abhidhammatthasangaha ( Thắng Pháp Tập Yếu Luận, bản dịch của ngài Minh Châu), The Essence Of Buddha Abhidhamma của giáo sư Mehm Ti Mon ( sách miễn phí trên Internet), Chúng Sanh và Sinh Thú của ngài Jotikàcariya ( bản tiếng Việt của Toại Khanh)…


-------------------------------------------------------------------------
Phần II: này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học Phần II : Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng/Lời cảm tạ (Tri Chúng lên cảm tạ )


Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .....thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy những lời pháp nhũ hữu ích cho chúng con , đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi .Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Kính Bạch chư Tôn Đức,

kính thưa quý đạo hữu,
ngày mai chúng ta sẽ có lớp Phật Học Cơ Bản do sư cô Liễu Pháp giảng giải, với sự điều hợp chương trình của các Ops và MC trong room Diệu Pháp. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.

Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
-------------------------------------------------------------------------
mở kinh tụng và nhạc,
Phần đóng room:
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật