Phần I Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng
Namo Buddhaya
MC1: Con ............. (................ điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay ngày 31 tháng 08 năm 2006 Phật lịch 2550. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, giờ Houston 7:30 đến 10:00 sáng, giờ NY từ 8:30 đến 11:00 sáng, giờ Cali 5:30 đến 08:00 sáng, giờ Paris 2:30 đến 5:00 chiều, giờ Sydney 11:30 tối đến 2:00 sáng.
Kính thưa quý vị hôm nay là Lớp Trung Bộ Kinh - Bài kinh số 82 chúng ta sẽ học bài KINH RATTHAPĀLA do TT Giác Đẳng giảng giải. Chương trình tiếp tục với phần Pháp đàm, chúng ta sẽ nghe chư Tôn Ðức thảo luận đề tài bài học, các câu đố và kết thúc với bản tin Phật Giáo.
Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.
Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hạnh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay. Namo Buddhaya
(Đại Đức Minh Hạnh)
Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.
Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.
Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________
(MC1 của phần I: ............... (.............. điền khuyết) )
Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng
Bài Học hôm nay:
____________
Hỏi: Xin cho biết đại lược về bài kinh này.
Ðáp: Đây là bài kinh số 82 của Trung Bộ Kinh, Kinh Tạng Pālī. Tên kinh là Ratthapāla Sutta vì nói về cuộc đời và một giai thoại liên quan tới tôn giải Ratthapāla.
Khi Phật đến thuyết pháp tại thị trấn Thullakotthita, thanh niên con nhà giàu nên Ratthapāla xin cha mẹ theo Phật xuất gia. Cha mẹ không cho, Ratthapāla bèn tuyệt thực gần chết nên cha mẹ buộc lòng cho phép. Ratthapāla được xuất gia, thọ đại giới [1]. Chẳng bao lâu ông chứng quả A la hán [2]. Sau khi chứng quả, tôn giả Ratthapāla xin Phật về nhà thăm cha mẹ.
Khi về đến làng cũ, Ratthapāla tuần tự khất thực đến nhà cha mẹ. Người cha không nhận ra nên mắng nhiếc xua đuổi, nghĩ chính những người này đã khiến con mình bỏ nhà ra đi. Khi tôn giả bỏ đi, trông thấy người tớ gái đem cháo thiu [3] đi đổ, ông bảo hãy trút vào bát của mình. Nữ tỳ đến gần để trút cháo, nhận ra tiểu chủ bèn vào báo tin. Ông bà chạy ra, bảo: "Ồ con, có chứ [4] ... sao ngồi đấy ăn cháo thiu mà không đi vào nhà của con ?" Tôn giả nói ông không có nhà, ông có đến khất thực song chỉ nhận được những lời mắng nhiếc. Rồi ông nhận lời cha mẹ hôm sau đến dùng cơm.
Người cha sửa soạn đón tôn giả, cho chất vàng bạc của cải thành đống, lấy màn che lại; và bảo các bà vợ cũ của tôn giả trang sức lộng lẫy để đón tiếp. Khi tôn giả vào nhà, ông chỉ đống vàng mà khuyên tôn giả hãy hoàn tục tu tại gia, làm phước bố thí. Tôn giả khuyên hãy đổ tất cả xuống sông, vì đấy là nguồn gốc của sầu bi khổ não cho gia chủ. Kế đến, các bà vợ đi ra ôm chân tôn giả mà hỏi có phải vì mê thiên nữ nên đi tu để được lên đấy. Tôn giả bảo thưa bà chị, không phải vì mục đích sanh thiên mà bần tăng xuất gia tu phạm hạnh. Khi ấy các bà vợ cũ lăn lóc nói chồng bây giờ lại gọi mình bằng bà chị. Tôn giả bảo gia chủ muốn bố thí đồ ăn thì hãy dọn ra, chớ có phiền nhiễu ngài. Người cha mời tôn giả ăn.
Ăn xong tôn giả đọc một bài kệ nói đến tính dơ uế, khổ, vô thường của thân xác nhưng lại được tô điểm [5] để lừa bịp kẻ ngu. Rồi ngài đi vào rừng của vua để nghỉ trưa. Vua Koravya nghe tôn giả [6] trở về bèn cho thắng cỗ xe đến thăm. Khi gặp tôn giả, vua hỏi người đời vì bốn sự suy vong mà đi tu, là lão suy, bệnh suy, tài suy, thân suy. Nay tôn giả không có bốn cái suy ấy thì cớ gì xuất gia. Tôn giả đáp vì bốn điểm thuyết giáo của đức Thế tôn.
Chúng con cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần I bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
MC 2A ................. / ĐK: ..................
II. Nội dung chính
Hỏi: Những điểm quan trọng gì được nói đến qua bài kinh nầy ?
Ðáp: Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt.
-- Tôn giả Ratthapāla đã nói: "Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt," ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapāla ?
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Khi Ngài 20 tuổi, hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh, và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapāla, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Nay Ðại vương vẫn còn bắp vế mạnh, cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ đánh giặc như vậy không ?
-- Không như vậy, thưa Tôn giả Ratthapāla, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapāla, tôi nghĩ: "Ở đây, ta sẽ bước chân", nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác.
-- Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt", và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
-- Thật vi diệu thay, Tôn Giả Ratthapāla! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapāla! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, Bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapāla, thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt.
MC 2B ................. / ĐK: ..................
Thế giới là vô hộ, vô chủ.
Nhưng thưa Tôn giả Ratthapāla, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Ratthapāla đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", ý nghĩa của lời nói này, cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapāla ?
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Ðại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, tôi có bệnh phong kinh niên. Nhiều khi, thân hữu quen biết, bà con huyết thống đứng xung quanh tôi và nói: "Nay vua Koravya sẽ mệnh chung, nay vua Koravya sẽ mệnh chung".
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Ðại vương có thể nói chăng, với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của Ðại vương: "Mong rằng Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi! Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này, để tôi có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn"; hay là Ðại vương chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, tôi không có thể nói với các thân hữu quen biết, bà con huyết thống của tôi: "Mong rằng các Tôn giả thân hữu quen biết, bà con huyết thống làm vơi nhẹ sự đau khổ của tôi. Mong tất cả hãy san sẻ cảm thọ này để có thể có một cảm thọ nhẹ nhàng hơn"; và tôi chỉ có thể thọ lãnh cảm thọ ấy một mình".
-- Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapāla! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapāla! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapāla, thế giới là vô hộ, vô chủ.
MC 2C ................. / ĐK: ..................
Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả.
Nhưng thưa Tôn giả Ratthapāla, ở vương quốc này có rất nhiều vàng nén và tiền vàng dưới đất và trên mặt đất". Tôn giả Ratthapāla đã nói: "Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả". Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapāla ?
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Dầu cho nay Ðại vương sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng, Ðại vương có thể nói được như sau: "Chính như vậy, tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng này"; hay là người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn Ðại vương sẽ phải đi theo nghiệp của mình ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, dầu cho nay tôi sống thụ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng dưỡng. Tôi không có thể nói được như sau: "Chính như vậy tôi thọ hưởng mãn túc, cụ túc năm món dục trưởng này". Chính người khác sẽ thọ hưởng tài sản này, còn tôi phải đi theo nghiệp của tôi.
-- Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả". Và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapāla! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapāla! Ý nghĩa này được Thế Tôn bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapāla, thế giới là vô sở hữu, cần phải ra đi, từ bỏ tất cả.
MC 2D ................. / ĐK: ..................
Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.
Tôn giả Ratthapāla đã nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái". Ý nghĩa của lời nói này cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapāla ?
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Có phải Ðại vương trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh ?
-- Thưa vâng, Tôn giả Ratthapāla. Tôi trị vì ở Kuru, một nước phồn thịnh.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Nếu có người đáng tin cậy, chánh trực đến với Ðại vương từ phương Ðông, và sau khi đến tâu với Ðại Vương: "Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng ? Tôi từ phương Ðông lại. Ở đấy, tôi có thấy một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi, tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Ðại vương, hãy đi chinh phục !" Ðại vương sẽ hành động như thế nào ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, sau khi chinh phục quốc độ ấy, tôi sẽ trị vì.
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào ? Ở đây có người đến với Ðại vương từ phương Tây ... từ phương Bắc ... từ phương Nam ... từ bờ biển bên kia, người ấy đáng tin cậy, chánh trực, tâu với Ðại vương: "Tâu Ðại vương, Ðại vương có biết chăng ? Tôi từ bờ biển bên kia lại. Ở đây, tôi thấy có một quốc độ lớn, phú cường, phồn thịnh, dân cư trù mật. Tại đấy có nhiều đội voi, đội ngựa, đội xe, bộ đội. Tại đấy có nhiều ngà voi. Tại đấy có nhiều vàng nén, tiền vàng chưa làm và đã làm, có nhiều phụ nữ. Và có thể chinh phục quốc độ ấy với vũ lực như thế ấy. Tâu Ðại vương , hãy đi chinh phục". Ðại vương sẽ hành động như thế nào ?
-- Thưa Tôn giả Ratthapāla, sau khi chinh phục quốc độ ấy, tôi sẽ trị vì.
-- Chính liên hệ với nghĩa này, này Ðại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái, " và tôi sau khi biết, sau khi thấy, sau khi nghe như vậy, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Ratthapāla! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ratthapāla! Ý nghĩa này được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã khéo nói: "Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái". Thật vậy, thưa Tôn giả Ratthapāla, thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái.
Chúng con cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần II bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
MC 3 ................. / ĐK: ..................
III. Người Xưa Chốn Cũ
Hỏi: Xin cho biết thêm chi tiết về thị trấn Thullakot.t.hita và tôn giả Ratthapāla ?
Đáp: Thullakot.t.hita là một thị trấn của nước Kuru. Đây là quê hương của ngài Ratthapāla, và là nơi Đức Phật dừng chân trong chuyến du hành thuyết pháp ở xứ Kuru. Thị trấn này có tên như vậy là vì các kho lương thực của thị trấn này luôn luôn đầy (thulla = đầy, kot.t.ha = kho) nhờ mùa màng phong phú.
Tôn giả Ratthapāla xuất thân trong một gia đình giàu có ở Thullakot.t.hita. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp ngài xin phép cha mẹ xuất gia. Cha mẹ không cho, ngài bèn tuyệt thực gần chết nên cha mẹ buộc lòng cho phép. Chẳng bao lâu ngài chứng quả A la hán và xin Đức Phật về nhà thăm cha mẹ. Cha mẹ và những người vợ cũ tìm cách lôi kéo ngài trở về đời sống tại gia, nhưng vô hiệu vì ngài đã hoàn toàn diệt tận tham ái. Tôn giả Ratthapāla được Đức Phật khen là đệ nhất về tín tâm xuất gia (saddhāpabbajitānam).
Chúng con cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần III bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
MC 4 ................. / ĐK: ..................
IV: Chữ và Nghĩa
Hỏi: Từ vô hộ vô chủ có đồng nghĩa với vô ngã không ?
Ðáp: Danh từ vô hộ (at.t.āno), vô chủ (anabhissaro) không thể hiểu hoàn toàn đồng nghĩa với từ vô ngã (anatta). Bởi vì trong bài kinh này đã giải thích ý nghĩa vô hộ, vô chủ là tình trạng ở đời không có một tha lực có thể cứu giúp hay thay thế nỗi đau của mình, mà phải tự mình nhận lãnh dù là một vị vua có quyền hạn. Trong khi đó, từ vô ngã (anatta) là nói lên bản chất giả hợp không có thực thể đơn thuần bất biến của pháp hữu vi; và trong chừng mực nào đó, vô ngã cũng được hiểu là không có chủ quyền quyết định đối với những hiện tượng tự nhiên như là sanh, già, bệnh, chết…
Chúng con cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần IV bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
MC 5 ................. / ĐK: ..................
V. Học và hỏi
Hỏi: Nếu cuộc đời chỉ là khổ lụy thì Phật Pháp có cho điều nào là sinh thú để tha thiết không ?
Ðáp: Khi nói đời là khổ đúng theo cách nói của Phật Pháp là sabbe sankhārā dukkhati thì chữ khổ phải được hiểu khác hơn là vui khổ trong ngôn ngữ hằng ngày. Cũng tương tự như khi chúng ta nói mọi vật luôn thay đổi rồi đem câu đó hỏi rằng pho tượng đá ngoài sân đã đứng yên bao năm qua như vậy có sai không. Sự đứng yên của một pho tượng là nói cách nói thường thức. Các nhà vật lý cho biết là tất cả phân tử vật chất luôn trong trạng thái chuyển động. Trở lại với câu hỏi, cái vui khổ, thú vị hay buồn chán trong đời sống hằng ngày được nói trong một phạm trù khác biệt với câu đời là khổ. Hai ý niệm về khổ đó không giống nhau. Cái khổ của pháp hữu vi được hiểu là sự rỗng không, có tùy thuộc nhân duyên và không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn. Ý nghĩa nầy rộng lớn hơn khi chúng ta nói cái mình thích và không thích trong đời sống hằng ngày.
________________________________________
Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)
Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .......... thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con, đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Nguyện hồi hướng phước báu pháp thí đến Ni Sư Diệu Tịnh được nhiều an lạc, tùy tâm mãn nguyện. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,
Ngày mai chúng ta sẽ có Lớp A Tỳ Đàm do TT Tuệ Siêu giảng giải, với sự điều hợp chương trình của các Ops và MC trong room Diệu Pháp. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.
Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya
mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)
Namo Buddhaya
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Namo Buddhaya.