Phần I Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng
Namo Buddhaya
Con .............. (............. điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay ngày 11 tháng 05 năm 2006 Phật lịch 2549. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, giờ Houston 7:30 đến 10:00 sáng, giờ NY từ 8:30 đến 11:00 sáng, giờ Cali 5:30 đến 08:00 sáng, giờ Paris 2:30 đến 5:00 chiều, giờ Sydney 11:30 tối đến 2:00 sáng.
Kính thưa quý vị hôm nay là Chương trình Mùa Lễ Hội Vesak (tiếp theo) - Chủ đề: ĐỨC PHẬT CỦA CHÚNG TA (tt) do TT Tuệ Siêu hướng dẫn. Sau đó là phần câu hỏi trắc nghiệm, chương trình tiếp tục với phần Pháp đàm, chúng ta sẽ nghe chư Tôn Ðức giảng giải đề tài thảo luận, các câu hỏi và kết thúc với bản tin Phật Giáo.
Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.
Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hạnh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay. Namo Buddhaya
(Đại Đức Minh Hạnh)
Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.
Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.
Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________
(MC của phần I: ........... (...... điền khuyết) )
Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng
Bài Học hôm nay:
Đức Phật của chúng ta
Tỳ kheo Thích Minh Châu
______________
MC 06
Sau đây là những kinh nghiệm được ghi lại về đời sống đầy dục lạc khi Đức Phật còn là Thái tử, thái độ Đức Phật đối với vấn đề sanh lão bệnh tử va ba sự kiêu mạn của tuổi trẻ, không bệnh và trọng sự sống.
"Này các Tỳ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỳ-kheo, trong nhà Phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho Ta. Không một chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỳ-kheo, là không từ Kāsi đến, bằng vải Kāsi là khăn của Ta, này các Tỳ-kheo. Bằng vải Kāsi là áo cánh; bằng vải Kāsi là nội y, bằng vải Kāsi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che chở cho Ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta này các Tỳ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công bao quanh vậy, Ta không có xuống dưới lầu..."
"Với Ta, này các Tỳ kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ rằng: "Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, khi người khác già. Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao ? Như vậy thật không xứng đáng cho Ta. Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn".
"Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, khi thấy người khác bị bệnh, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn ghê tởm sao ? Như vậy thật không xứng đáng cho Ta. Sau khi quán sát về Ta như vậy này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn".
"Kẻ vô văn phàm phu, tự mình bị chết, không vượt khỏi chết thấy người khác bị chết, lại bực phiền hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, khi thấy người khác chết, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao ? Như vậy thật không xứng đáng cho Ta. Sau khi quán sát về Ta như vậy này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của sự sống được đoạn trừ hoàn toàn". (Tăng Chi I, 162 - 163).
Ở đoạn kinh trên chúng ta thấy rõ Đức Phật của chúng ta khi còn làm Thái tử, được hưởng thọ dục lạc ở đời, nhưng không để cho các dục lạc ấy làm cho say đắm si mê, vẫn ý thức được rằng sanh già bệnh chết vẫn đang đe dọa nặng trên kiếp sống của con người và như vậy đoạn trừ được ba sự kiêu ngạo của tuổi trẻ trong tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh, kiêu mạn của sự sống trong sự sống.
Chính nhờ ở kinh nghiệm bản thân về những dục lạc ở đời, chính nhờ quán sát sáng suốt về thực trạng già, bệnh, chết của cuộc đời chính mình và tất cả mọi người, nên Đức Phật của chúng ta vượt qua sự kiêu mạn của tuổi trẻ, của không bệnh, của sự sống, để sau này từ bỏ tất cả, xuất gia tu đạo.
MC 07
Khi Ngài đã quyết định từ bỏ ngai vàng, châu báu, vợ đẹp con thơ, tầm đạo giải thoát, chúng ta được nghe Đức Phật của chúng ta kể lại sự học đạo của Ngài với Alāra Kālama và Udaksa Rāmaputta, hai vị đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ và sau đây là kinh nghiệm bản thân của Đức Phật khi học đạo với Alāra Kālama như kinh Thánh cầu, Trung bộ I, trang 164b đã khéo ghi chép:
"Rồi này các Tỳ kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son của cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, đi tìm cái gì chi thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh, hướng đến tịch tịnh. Ta đến chổ Alāra Kālama ở, khi đến xong liền thưa với Alāra Kālama: "Hiền giả Kālama, tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này".
"Này các Tỳ kheo, được nghe nói vậy, Alāra Kālama nói với Ta: "Này Tôn giả, hãy sống (và an trú) Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu vị Bổn sư của mình chỉ dạy, tự trị, tự chứng, tự đạt và an trú" Này các Tỳ kheo, và không bao lâu Ta đã thông suốt Pháp ấy một cách mau chóng... "Này các Tỳ kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Alāra Kālama tuyên bố Pháp này không phải chỉ vì lòng tin. Sau khi tự trị, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú. Chắc chắn Alāra Kālama biết Pháp này, thấy Pháp này rồi mới an trú".
"Này các Tỳ kheo, rồi Ta đi đến chổ Alāra Kālama ở, sau khi đến, Ta nói với Alāra Kālama: "Hiền giả Kālama, cho đến mức độ nào, Ngài tự trị, tự chứng tự đạt và tuyên bố Pháp này ?" Này các Tỳ kheo, được nói vậy, Alāra Kālama tuyên bố về vô sở hữu xứ. Rồi các Tỳ kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ có Alāra Kālama có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Alāra Kālama mới có tinh tấn. Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Alāra Kālama mới có niệm. Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Alāra Kālama mới có định. Ta cũng có định. Không phải chỉ có Alāra Kālama mới có tuệ. Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được Pháp mà Alāra Kālama tuyên bố: "Sau khi tự trị, tự chứng, tự đạt, Ta an trú"
"Rồi này các Tỳ kheo, không bao lâu, khi tự trị, tự chứng, tự đạt Pháp ấy một cách mau chóng. Ta an trú. Rồi này, các Tỳ kheo, Ta đi đến chổ Alāra Kālama ở, sau khi đến, Ta nói với Alāra Kālama: "Này hiền giả Kālama có phải hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy" - "Vâng hiền giả. Tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy" - "Này hiền giả, Tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố Pháp này đến mức độ như vậy". "Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng Phạm hạnh như tôn giả Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính Pháp này hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; Pháp này hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; chính Pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố. Pháp mà tôi biết, chính Pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy Tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, Tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả! Hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này".
"Như vậy, này các Tỳ-kheo, Alāra Kālama là Đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn tối thượng. Này các Tỳ kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết Bàn, mà chỉ đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt vô sở hữu xứ" Như vậy, này các Tỳ kheo, Ta không tôn kính Pháp này và chán nản Pháp ấy, Ta bỏ đi".
MC 08
Tiếp đến là nếp sống khổ hạnh, Đức Phật của chúng ta tự mình hành trì luôn trong sáu năm trên kinh nghiệm bản thân của Ngài, như Đức Phật đã diễn tả: "Này Sārīputta, Ta đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh Ta khổ hạnh đệ nhứt; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất" (Trung Bộ I, trang 76b).
Đoạn văn sau đây diễn tả hạnh ăn ít của Đức Phật chúng ta, chính những hạnh này khiến Thế Tôn gầy mòn chỉ còn da bọc xương, như đã được diễn tả trong các bức tượng Tuyết Sơn, khắc ghi lại sự khổ hạnh đặc biệt của Thế Tôn (trong kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ I, trang 80).
"Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, hàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, cái xương sống phô bày của Ta giống như một chuối banh. Vì Ta ăn quá ít, cái xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con người của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lổ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí đắng màu trắng, cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn".
"Này Sārīputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống; chính da bụng bị Ta nắm lấy vì ta ăn quá ít ". Này Sārīputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sārīputta trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì ta ăn quá ít". Đức Phật của chúng ta đã tự mình hành trì khổ hạnh, và sau sáu năm hành trì không có kết quả, Ngài cương quyết từ bỏ khổ hạnh và bắt đầu hướng đến hành thiền như đoạn kinh sau này nêu rõ:
"Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Thuở xưa có những Sa môn, Bà la môn, tương lai có những Sa môn, Bà la môn; và hiện tại có những Sa môn, Bà la môn thình lình cảm thọ những cảm thọ, những cảm giác chói đau, khổ đau, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh. Hay có đạo lộ nào khác hơn đưa đến giác ngộ ?".
"Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta biết trong khi phụ thân Ta thuộc giòng Sakya đang cày, và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm phù đề. Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng ? Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta. Đây là đạo lộ đưa đến Giác ngộ" (Trung bộ I, trang 240b). Từ nơi kinh nghiệm bản thân này, Đức Phật của chúng ta từ bỏ khổ hạnh, hành trì thiền định, chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh và "với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, như nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta hướng Tâm đến lâu tận trí. Ta biết như thật: "Đây là khổ", Ta biết như thật: "Đây là khổ tập". Ta biết như thật: "Đây là khổ diệt". Ta biết như thật: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Ta biết như thật: "Đây là các lậu hoặc", Ta biết như thật: "Đây là lậu hoặc tập khởi". Ta biết như thật: "Đây là lậu hoặc diệt". Ta biết như thật: "Đây là con đường đưa đến lâu hoặc diệt". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự tâm đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Ta đã biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa" (Trung bộ I, 248a-248).
Như vậy, cùng với kinh nghiệm bản thân, từ bỏ khổ hạnh, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, bậc Đạo sư của chúng ta thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác và trở thành Đức Phật.
MC 09
Sau khi thành đạo, Đức Phật chúng ta luôn luôn đi hoằng hóa, thuyết pháp độ sanh. Tuy vậy, Ngài vẫn bị xuyên tạc hiểu lầm. Và Sunakkhatta đã hiểu lầm về Đức Phật của chúng ta như sau: "Sa môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, Sa môn Gotama thuyết pháp, Pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tạo thành, tùy thuận trắc nghiệm và thuyết cho mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau' (Trung bộ I trang 69).
Đức Phật với nhận thức sáng suốt của Ngài, chấp nhận phần hai của lời phê bình của Sunakkhatta là đứng đắn, vì pháp Phật dạy, không do ai dạy Ngài, chỉ do tự bản thân tu tập, chính do tự suy luận, chính do tùy thuận trắc nghiệm của Ngài xây dựng lên, và pháp ấy dạy cho một mục tiêu đặc biệt là đoạn trừ khổ đau của chúng sanh, và có khả năng hướng thượng giúp chúng sanh đoạn tận tham sân si, chấm dứt khổ đau.
Nhưng Đức Phật không chấp nhận phần đầu lời phê bình của Sunakkhatta khi Sunakkhatta nói Ngài không có Pháp Thượng Nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Ở đây, Đức Phật mới rống, tiếng rống con sư tử, xác nhận Đức Phật có được 4 pháp truyền thống. Ngài là vị có đủ 10 danh hiệu là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng, Điều Ngự những ai đáng được Điều Ngự, bậc Thầy chư Thiên và loài người, Phật, Thế Tôn. Và Ngài chứng được thần túc thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông:
Như Lai là vị có được mười Như Lai lực, có bốn vô sở úy. Như Lai như thật biết sự kiện có xảy ra là có xảy ra, sự kiện không xảy ra là không xảy ra. Như Lai như thật biết quả báo tùy thuộc sở do tùy thuộc sở nhân của các hạnh nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Như Lai như thật biết con đường đưa đến tất cả cảnh giới. Như Lai như thật biết thế giới với nhiều chủng loại sai biệt. Như Lai như thật biết chí hướng sai biệt của một loài hữu tình. Như Lai như thật biết các căn thượng hạ của loài người, của các loài hữu tình; Như Lai như thật biết sự tập nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các thiền chứng về thiền và giải thoát về định. Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ; với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng trí, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ tâm giải thoát. Chính nhờ mười Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và Chuyển Pháp Luân (Trung bộ III, trang 70A- 71A).
Như Lai có được bốn vô sở úy, tức là bốn điều không sợ hãi, chính nhờ thành tựu bốn pháp này. Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và Chuyển Pháp Luân: "Thế nào là bốn ? Này Sārīputta, Ta thấy không có lý do gì, một Sa môn, Bà la môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn mà Ngài tự xưng là đã chứng ngộ hoàn toàn." Này Sārīputta, vì Ta không thấy có lý do gì như vậy, nên Ta sống, đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy. Này Sārīputta, Ta không thấy có lý do gì, một Sa môn, Bà la môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà Ngài tự xưng đoạn trừ...". Những pháp này được Ngài gọi là các chướng ngại pháp, khi được thực hành thời không có gì là chướng ngại pháp cả... Này Sārīputta, Ta thấy không có lý do gì một Sa môn, Bà la môn, Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Pháp do Ngài thuyết giảng, không đưa đến một mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau". Này Sārīputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy (Trung bộ I, trang 71 B).
Như vậy, với 4 pháp truyền thống, với 10 Như Lai lực, với 4 vô sở úy, Đức Phật của chúng ta xác chứng Ngài có pháp thượng nhân, có tri kiến thù thắng của bậc Thánh, xứng đáng với địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và Chuyển Pháp Luân.
Chúng con cung thỉnh TT Tuệ Siêu từ bi hướng dẫn chương trình hôm nay. Namo Buddhaya.
________________________________________
Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)
Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con ......... thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con , đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,
Ngày mai chúng ta sẽ có Chương trình Mùa Lễ Hội Vesak (tiếp theo) - LỄ THỌ ĐẦU ĐÀ TRỰC TIẾP TẠI CHÙA BỬU ĐỨC (Biên Hòa) và CHÙA SIÊU LÝ (Vĩnh Long) - Việt Nam, với sự điều hợp chương trình của các Ops và MC trong room Diệu Pháp.
Chương trình bắt đầu lúc 7:00 tối đến 05:00 sáng - giờ VN, giờ Houston 7:00 sáng đến 05:00 chiều, giờ NY từ 8:00 sáng đến 06:00 chiều, giờ Cali 5:00 sáng đến 03:00 trưa, giờ Paris 12:00 trưa đến 12:00 đêm, giờ Sydney 11:00 tối đến 9:00 sáng.
Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.
Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya
mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)
Namo Buddhaya
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Namo Buddhaya.