<body><script type="text/javascript"> function setAttributeOnload(object, attribute, val) { if(window.addEventListener) { window.addEventListener('load', function(){ object[attribute] = val; }, false); } else { window.attachEvent('onload', function(){ object[attribute] = val; }); } } </script> <div id="navbar-iframe-container"></div> <script type="text/javascript" src="https://apis.google.com/js/platform.js"></script> <script type="text/javascript"> gapi.load("gapi.iframes:gapi.iframes.style.bubble", function() { if (gapi.iframes && gapi.iframes.getContext) { gapi.iframes.getContext().openChild({ url: 'https://www.blogger.com/navbar.g?targetBlogID\x3d12421254\x26blogName\x3dB%C3%A0i+%C4%90%E1%BB%8Dc+c%E1%BB%A7a+MC\x26publishMode\x3dPUBLISH_MODE_BLOGSPOT\x26navbarType\x3dBLUE\x26layoutType\x3dCLASSIC\x26searchRoot\x3dhttps://baidocmc.blogspot.com/search\x26blogLocale\x3dvi_VN\x26v\x3d2\x26homepageUrl\x3dhttp://baidocmc.blogspot.com/\x26vt\x3d9116706110527376988', where: document.getElementById("navbar-iframe-container"), id: "navbar-iframe" }); } }); </script>

Thứ Sáu, tháng 8 04, 2006

Bài Đọc ngày thứ 6 của MC

Phần I: Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng

Namo Buddhaya
MC1: Con ..................... (...................) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay ngày 04 tháng 08 năm 2006 Phật lịch 2550. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, giờ Houston 7:30 đến 10:00 sáng, giờ NY từ 8:30 đến 11:00 sáng, giờ Cali 5:30 đến 08:00 sáng, giờ Paris 2:30 đến 5:00 chiều, giờ Sydney 11:30 tối đến 2:00 sáng.

Kính thưa quý vị hôm nay chúng ta sẽ có 100 CÂU HỎI MÙA VU LAN - Ngày thứ Ba: với 10 Câu hỏi chủ đề Cứu rỗi do TT Giác Đẳng hướng dẫn.

Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.

Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hanh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay. Namo Buddhaya

(Đại Đức Minh Hạnh)

Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.

Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________

(MC1 của phần I: .................... (....................)

Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng

Bài Học hôm nay:


100 Câu Hỏi Mùa Vu Lan

NGÀY THỨ BA

10 Câu hỏi về Cứu Rỗi
____________

II. Nội dung chính

Câu 1 (Sư Trưởng trả lời - Tinh Tấn type lại)

Hỏi: Phải chăng tất cả người sanh vào khổ cảnh như địa ngục đều có thể được giải thoát bằng phép hồi hướng ?

Đáp: Nói về cách hồi hướng trong Phật giáo, dù đó là những buổi lễ bố thí, cúng dường, làm phước trong những ngày thường trong năm hay là nhân dịp trong mùa Vu Lan chẳng hạn tùy theo phong tục tập quán địa phương. Bất cứ hình thức nào làm phước hồi hướng không phải hoàn toàn nhất định hễ là hồi hướng những người thân trong bốn đường ác đạo có thể siêu sanh nhàn cảnh được. Bằng chứng chúng ta nhớ đến một câu chuyện tiền thân những người quyến thuộc mà sanh làm ngạ quỷ là tiền thân của quyến thuộc vua Ba Tư Nặc (Vua Pasenadi) mà đã từng làm ngạ quỷ và đã gặp nhiều vị Phật ra đời, khi đến được hỏi thăm thì các vị Chánh Đẳng Chánh Giác cho biết còn phải trải qua một thời gian nữa. Không phải là Chư Phật trong quá khứ mà những ngạ quỷ hay là tiền thân của bà con Vua Ba Tư Nặc là không có biết pháp hồi hướng hay là chỉ cách, nhưng bởi vì nghiệp của chúng sanh quá nặng chưa đến lúc có thể hồi hướng phước được. Cũng giống như những người bị tù, hai chục năm hay ba chục năm, bây giờ chưa phải đến lúc lãnh ra hay tự do được, phải còn thời hạn. Nếu trường hợp có người kêu mãn hạn, hết thời kỳ đó, nhưng không có người đỡ đầu thì người đó có thể tiếp tục làm những chuyện quấy chẳng hạn. Đối với chúng sanh đọa vào bốn đường khổ nếu không có người tiếp độ thì họ có thể tái diễn trong cảnh khổ tương tợ như vậy. Nhưng nhờ có pháp hồi hướng đến cho những người thân nhân mà khi nghiệp nhẹ hay mỏng, sắp hết rồi, đây là cơ hội có thể hồi hướng được, đó là đại khái là như vậy. Trong kinh còn phân rõ những loại nào được hưởng pháp hồi hướng, những loại nào không được, nhưng mà nói như vậy, chúng ta có thể đặt lên câu hỏi nếu không chắc chắn hễ là hồi hướng là được phước tại sao chúng ta phải làm ? Thường Việt Nam chúng ta có câu: “còn nước còn tát”, mỗi khi có người thân hay bản thân của chúng ta bệnh đều đi bệnh viện hay đi bác sĩ để khám bệnh và trị bệnh. Không phải tất cả trường hợp đi bệnh viện hay đi bác sĩ đều là hết bệnh hay không bị chết, nếu quả như vậy thì trên đời này không có trường hợp những người tử vong vì hễ đến bệnh viện thì sẽ hết bệnh, tìm được con đường sống, và hễ đi bác sĩ cũng được sống và hết bệnh. Cũng có thể trường hợp đi bác sĩ hay đi bệnh viện là cũng vượt qua cơn bệnh tiếp tục sống như thế nữa, nhưng mà đến một lúc bệnh nặng không thể vượt qua thì có thể chết trong bệnh viện hay chết trên tay bác sĩ cũng có. Nói như vậy không nghĩa là không chắc hễ đi bác sĩ là hết bệnh thì chúng ta không đi, nhưng mà chắc chắn hễ đi bệnh viện hay đi bác sĩ thì hoàn toàn hết bệnh quả thật cũng không đúng. Đây là một thí dụ giống như làm phước hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc của chúng ta đã quá vãng có thể phước sanh đến cho những vị đó, như là những ngạ quỷ là tiền thân quyến thuộc của Vua Ba Tư Nặc khi nghiệp đã nhẹ rồi, nếu Vua Ba Tư Nặc không làm phước hồi hướng thì các ngạ quỷ này có thể vẫn tiếp tục trong cảnh giới khổ đau, bất hạnh đó, nhưng được hồi hướng thì ngay đúng lúc đó có thể được siêu sanh nhàn cảnh cõi trời chẳng hạn. Như vậy, phương pháp hồi hướng phần phước, sang sẽ công đức mình đã làm đến cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, kiếp hiện tại cũng như vô lượng kiếp về trước nói chung thì chúng ta chia phước đó hay là hồi hướng sang sẽ công đức đó có thể được với một số chúng sanh với nghiệp ác đã nhẹ. Trong Trung Bộ Kinh cũng đã nói bài kinh Thiên Sứ, đây cũng giải thích trường hợp nếu như một người sanh vào trong cảnh khổ như địa ngục chẳng hạn, nếu khi gặp Diêm Vương thì hỏi có thấy đệ nhất Thiên Sứ, đệ nhị Thiên Sứ v..v… tức là hỏi lại người đó có thấy sanh, thấy già, thấy bệnh, thấy chết, thấy những người tù tội hay không, nếu người đó đáp là có nhưng mà không thấy sanh, già, đau, chết, tù tội như vậy nhưng không thức tỉnh lo tu thì gợi ý như vậy. Nếu người này chợt nhớ lại mình có làm một thiện sự nào đó như bố thí, trì giới, tu thiền chẳng hạn thì nhờ nhớ lại thiện nghiệp của mình thì có thể sanh lên, vượt khỏi cảnh khổ đau, nhưng khi nhớ lại trong cả suốt kiếp nhân loại mà không hề làm được thiện lành, hoàn toàn làm những chuyện ác, như vậy người ấy sẽ tiếp tục trong cảnh giới khổ đau. Cũng vậy, mỗi lần hồi hướng, thường hồi hướng Chư Thiên hay Diêm Vương v..v…, nếu người đã quá vãng sanh cảnh giới nào không ai biết xin các vị mách bảo dùm v..v… thì cũng căn cứ theo ý nghĩa tương tợ như vậy. Để cho Chư Thiên, phi nhân, Diêm Vương chẳng hạn nhắc nhở người đã quá vãng trong cảnh giới khổ đau được nghe được biết được hay để hoan hỷ với công đức đó mà vượt lên khỏi đọa xứ khổ cảnh. Nếu dầu cho được biết mà nghiệp quá nặng cũng không thể vượt qua. Đây là câu hỏi vừa nêu trên. Đọa xứ thì nói chung, nhưng cảnh địa ngục thì khó vượt qua, ngạ quỷ thì có thể hồi hướng được một phần loại ngạ quỷ nghiệp hơi nhẹ, nếu sanh vào A Tu La chúng tôi chưa tìm thấy một câu chuyện nào trong kinh nói chúng sanh đang trong cảnh giới A Tu La mà nhờ được phước được vượt lên, không biết có hay không chúng tôi nhất thời không nhớ đến. Còn bàng sanh thì chắc điều này không được rồi, nếu sanh vào con chó con heo con gà con vịt v..v… dầu cho có hồi hướng đi nữa thì con vật đó không hay biết. Nếu sanh làm người thì cũng tương tợ như vậy, còn sanh Chư Thiên thì điều này có thể Chư Thiên được phước thì phước càng tăng thêm nữa thì có lẽ là một điều rất tốt. Nếu sanh vào địa ngục mà địa ngục nặng như A Tỳ v..v.. thì dầu hồi hướng cũng không được, nhưng dầu được dầu không thì bổn phận làm con hay cháu đối với cha mẹ ông bà hay thân thương đã quá vãng thì chúng ta cứ làm, cũng như là bệnh thì cứ đi bác sĩ để khám bệnh hay trị bệnh v..v… Đó là ý nghĩa câu thứ nhất.

Câu 2 (TT Tuệ Siêu trả lời)

Hỏi: Nếu chúng sanh trong khổ cảnh không nhận được phước hồi hướng thì làm thế nào để thoát khổ cảnh ?

Đáp: Ngoại trừ chúng sanh khổ cảnh ngạ quỉ paraduttūpajīvī là nhận được phước hồi hướng để thoát khổ cảnh. Các loài chúng sanh khổ cảnh khác như địa ngục, a tu la và bàng sanh thì không nhận được phước hồi hướng, nhưng chúng vẫn có nhân duyên để thoát khỏi khổ cảnh.

Loài địa ngục nhờ sự gợi ý của diêm vương (yāmarāja) mà nhớ lại thiện sự (nếu họ từng có làm thiện), nhờ vậy mà thoát khổ cảnh.

Loài a tu la thì nhờ nghe kinh pháp mà tự cảnh tĩnh (nếu họ chỉ có oan trái nhẹ) nhờ vậy mà thoát khổ cảnh.

Riêng loài bàng sanh đa dạng, có những loại biết tạo tâm thiện, tạo uy lực hạnh, nhờ vậy mà thoát khổ cảnh.

Nếu chúng sanh khổ cảnh không nhờ nguyên nhân nầy, thì trải qua thời gian rất lâu, khi ác nghiệp giảm thiểu sức mạnh, quả dư sót dẫn dắt tái sanh cảnh giới khác.

Câu 3 (TK Pháp Đăng trả lời)

Hỏi: Một người đã làm ác nghiệp làm thế nào để chuộc tội và sửa đổi nghiệp ?

Đáp: Một người làm ác nghiệp là do tà kiến và si mê, có những chấp thủ sai lầm, nên đã tạo những ác nghiệp và tội lỗi, do gần gũi, thân cận những người bạn ác và theo những Tôn giáo tà thuyết, chấp lấy những quan kiến sai lầm, nhứt là thường kiến, đoạn kiến và những quan kiến khác. Nên sửa đổi, phải từ bỏ bạn ác và tránh xa các tôn giáo tà thuyết ấy, thân cận bạn lành và gần gũi các bậc trí tuệ, tu hành theo Bát Chánh Đạo như câu Pháp Cú 173 đã dạy:

Ai dùng các hạnh lành
Làm xóa mờ nghiệp ác
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che.

Câu 4 (Sư Trưởng trả lời - Tinh Tấn type lại)

Hỏi: Người Phật tử có phép sám hối nhưng tại sao trong A Tỳ Ðàm dạy trạng thái "hối quá" là một tâm sở phiền não ?

Đáp:
Trong A Tỳ Đàm có câu “ hối quá”, thật vậy, sân, tật, lận, hối là một trạng thái “hối”. Hối này được giải thích là hối tiếc việc thiện đã bỏ qua và hối hận việc ác đã làm, nó thuộc về tâm sân, và tâm sân dĩ nhiên là bất thiện, kể cả trường hợp thọ ưu liên hệ đến ly dục, thọ ưu liên hệ đến xuất gia không liên hệ đến cư sĩ tại gia. Trong lúc các vị có sự lo lắng ưu tư không biết ngày nào chúng ta được an trú trong trú xứ bậc thánh, tuy rằng trạng thái ưu tư này thuộc về thọ ưu hẳn là tâm sân mà sân là bất thiện, nhưng chính vì trạng thái này sẽ là động cơ thúc đẩy cho đương sự, hành giả cố gắng tu tập để được giác ngộ giải thoát. Cũng như khi biết rằng mình đã mang trọng bệnh, chính vì ý thức được đang mang trọng bệnh nên càng kiên cử, càng gìn giữ sức khỏe, càng lo lắng uống thuốc trị bệnh, đó là một điều biết ra mình có bệnh, lo lắng ấy thì có lợi cho trị bệnh cũng như dưỡng sinh. Nếu như không biết như vây mà nghĩ rằng cùi không sợ lỡ thì đưa đến tai hại hơn. Đây cho chúng ta thấy thọ ưu không liên hệ đến xuất gia, không liên hệ đến tại gia hay thọ ưu liên hệ đến ly dục, tức là nhờ lo lắng đó cũng như Vua A Dục trả lời cho người em là: “các vị Sa Môn Thích tử, vì quán đến sanh tử luân hồi nên các vị ấy càng tinh tấn không dám dễ duôi, trong khi Hoàng đệ chỉ thấy cái chết tức thời mà còn lo lắng ưu tư như vậy”, thì rõ ràng đây là trường hợp thọ ưu không liên hệ đến vật chất mà liên hệ đến sự xuất ly, mặc dầu nói là bất thiện nhưng cũng là động cơ để tiến hóa. Ngược lại, có người rầu chỉ rầu, lo chỉ lo mà không tìm cách giải thoát, thí dụ như làm việc tội lỗi mà người này vô tàm vô quý, người này không ghê sợ và không hô thẹn tội lỗi, đừng nói chi là hối hận hay hối tiếc, điều này hẳn không có cơ hội để thoát ly. Nếu một người biết hối tiếc một việc thiện đã bỏ qua, hối hận việc ác đã làm, đây rõ ràng trạng thái thọ ưu tâm sân, nhưng chính vì người này biết hối tiếc việc thiện bỏ qua, về sau sẽ có cơ hội làm một việc thiện tốt hơn.

Tôi có hai lần, một lần đi Campuchia, khi chiếc xe đi ngang thì thấy có những người đặt những cái bàn và đứng ra giữa lộ đón xe, thì người tài xế chạy gần tới đó rồi nhấn ga cho vụt qua làm cho mấy người đó chạy phóng vô lề. Khi tôi hỏi ra thì mấy người trên xe cho biết những người này là thiện nam tín nữ, họ ra đó để xin tiền đi cất chùa. Trong suốt thời gian đó tôi cảm thấy ái ngại, khó chịu vì những người thiện nam tín nữ đón trên đường để xin tiền sữa chùa cho Chư Tăng, mà nhìn thấy trong xe có những Sư mà để cho tài xế nhấn ga vọt mạnh, suýt cán người ta như vậy thì thấy rất là khó chịu, nhưng anh tài xế này không phải là Phật tử, anh chỉ là người tài xế của xe thuê mà đi, anh không ý thức gì cả và anh đã làm như vậy. Trong thời gian ba, bốn ngày ở Campuchia, lúc trên đường về, tôi mới dặn anh tài xế (trong những thời gian sinh hoạt từ từ để anh tài xế mới quen với các Sư và các Phật tử trong đoàn), là chuyến về anh phải ngừng lại để làm phước chứ không nên chạy ngang thì anh tài xế nghe lời. Đến lúc xe chạy về gần tới đó, xe từ từ thắng lại và những người họ ra, và tôi mới nói với các Phật tử trong xe chúng ta sắp sửa về Việt Nam, số tiền ở Campuchia không xài nữa, ai có tiền còn lại xin làm phước, lúc đó tôi làm gương móc hết trong vèm, còn bao nhiêu để ra, và các vị Sư và Phật tử cùng đi chung đoàn cũng bắt chước theo tôi có bao nhiêu tiền Campuchia cũng bỏ vô hùn phước. Khi mà gởi xuống, những người Phật tử thiện nam tín nữ rất hoan hỷ, nói “Sadhu, Sadhu”. Bắt đầu từ lúc đó tôi mới nhẹ đi trong người, và mỗi lần nhớ lại tôi cảm thấy rất là dễ chịu. Lần đi Miến Điện cũng tương tợ như vậy, nhưng lần này tài xế không chạy suýt cán người như vậy, lúc về tôi cũng dặn ghé lại rồi tôi làm phước cúng tiền để xây dựng chùa. Những chuyến như vậy, nếu chúng tôi không có trở về làm được, mỗi lần nhớ tới thì trong tâm sẽ có sự hối tiếc việc thiện mình đã bỏ qua, nhưng mà may mắn làm được. Như vậy, cái hối tiếc ở đây có lợi vì nhớ hối tiếc việc thiện mình đã bỏ qua để rồi làm lại tức là có dịp sẽ làm lại những phước thiện đó, đó là điều tốt. Hối hận việc ác đã làm như những lần mình đã làm dù vô tình hay cố ý, mà mỗi lần nhớ lại thì thấy ăn năn khó chịu, để chi ? để chừa cải gọi là “sám tiền vi, hối hậu hóa” đừng làm như vậy, nhưng cũng nên ý thức được rằng cái gì quá khứ không nên truy tầm, nhất là giờ phút lâm chung. Nếu như những tư tưởng này chặn lại thì nhớ câu chuyện vị Tỳ Kheo làm đứt cỏ mà chưa kịp sám hối, tâm ăn năn nóng nảy đã dẫn vị này vào trong bàng sanh, đọa sứ. Như vậy, chúng ta ý thức được để nâng tâm lên, hướng đến việc thiện như nào mình đã làm như là bố thí, trì giới, còn việc kia đã sám hối rồi để tẩy xóa mặc cảm tội lỗi, hay chưa kịp sám hối thì nghĩ rằng mình không có lý do gì để nhớ những điều ác quấy hay tội lỗi này. Cũng như một tên đao phủ mà Ngài Xá Lợi Phất khéo hướng dẫn bằng cách hỏi việc làm đó do ông muốn làm hay do nhà vua, thì người đó là kẻ ngu si nên trả lời là làm theo lệnh nhà Vua và nghĩ rằng chắc không có tội, tuy rằng hiểu sai lý nghiệp báo, nhưng mà nhờ như vậy an tâm để không có hối hận này nên nghe kinh và nhờ nghe kinh nên sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiên giới.

Giữa những câu chuyện này là bài học cho chúng ta, hối tiếc việc thiện để tương lai mình không bỏ qua việc thiện và hối hận việc ác để tương lai không làm việc ác chứ không phải chỉ bứt rứt trong tâm thì điều đó không nên. Trạng thái hối tiếc hối hận thì hối là thọ ưu vì làm cho tâm nóng nảy nên trong A Tỳ Đàm để vào sân phần tức là sân, tật, lận, hối là cách để chúng ta hóa giải trong tâm thì phải xử sự như cách vừa nói trên. Và những gì tôi trình bày căn cứ theo ý nghĩa, điển tích đã có trong kinh diển để trả lời câu hỏi số 4 vừa nêu trên.

Câu 5 (TT Tuệ Siêu trả lời)

Hỏi: Sám hối tội lỗi một cách hợp đạo là sám hối thế nào ?


Đáp: Trong kinh giáo giới Ra Hầu La (Rāhulovādasutta) Đức Phật dạy về cách phản tỉnh thân, khẩu, ý và khi thấy biết có lỗi lầm về thân hành hoặc khẩu hành thì nên phát lộ (bày tỏ) với thầy hay bạn có trí để sám hối chừa cải; nếu có lỗi lầm về ý hành thì chỉ tự hổ thẹn và quyết định chừa bỏ trong tương lai.

Cách sám hối hợp đạo có 2 cách là phát lộ sám hối và tâm nguyện sám hối.

Trong luật của bậc xuất gia thì Đức Phật đã chế định nhiều hình thức phát lộ sám hối tùy theo tội nặng nhẹ.

Người cư sĩ cũng có cách sám hối hợp lẽ đạo bằng cách bày tỏ lỗi lầm và hứa nguyện chừa cải.

Những tội nặng nề như đại nghịch tội, như tội ba la di của tỳ kheo không thể sám hối cho thanh tịnh được, nhưng cũng nên có lòng tàm quý hối quá để chận đứng tâm ác không cho tiếp tục tăng trưởng.

Câu 6 (Ni sư Liễu Pháp trả lời)

Hỏi: Chúng sanh có thể nào trả hết được bất thiện nghiệp của mình đã tạo không ?


Đáp: Với vô số bất thiện nghiệp đã tạo trong vô biên kiếp sống, chúng sanh không thể nào trả hết được. Nếu một chúng sanh phải trả hết tất cả những nghiệp bất thiện mình đã tạo thì không thể có cơ hội nào chấm dứt đau khổ. Tuy nhiên, khi một chúng sanh chứng đắc Đạo quả A-la-hán thì không còn tạo thêm nghiệp mới. Và khi bậc A-la-hán nhập Vô dư Niết bàn thì nghiệp không còn cơ hội trổ quả nữa. Tuy nói rằng nghiệp theo ta như bóng theo hình, nhưng khi người đã nhập Niết bàn rồi, thì không còn hình nữa nên bóng cũng không còn.

Câu 7 (TK Pháp Đăng trả lời)

Hỏi: Ðền tội" có đền được tội không ?


Đáp: Theo tinh thần Đức Phật dạy về Ác nghiệp, theo thông thường mọi người thường gọi là Tội. Ác nghiệp nầy khi có cơ hội thì sẽ trổ sanh theo thời gian, và còn tùy theo là thường nghiệp, hay trọng nghiệp nữa, những ác nghiệp sẽ được đoạn trừ khi Đạo Quả sanh lên, nếu chưa đắc được Đạo Quả, thì đối với trọng nghiệp vẫn có cơ hội để trổ sanh, mà các bậc Thánh lậu tận vẫn phải nhận lấy Tội, Nghiệp ấy. Nếu hiểu theo nghĩa đền tội, theo thay thế hay là trừ qua cấn lại thì hoàn toàn không đúng. Theo lời Phật dạy và cũng không thuận theo chơn lý, vì ác sẽ trổ ác quả, còn thiện thì sẽ trổ thiện quả.

Câu 8 (TT Giác Đẳng trả lời)

Hỏi: Tạo thiện nghiệp có chuyển được dòng nghiệp lực chăng ?

Đáp:
Dòng nghiệp lực là một kết cấu có quá khứ, hiện tại hỗn hợp. Tiền nghiệp chi phối hiện tại mà hiện nghiệp cũng chi phối hiện tại. Do vậy không thể nói tiền nghiệp quyết định tất cả mà cũng không thể nói hiện nghiệp có thể thay đổi tất cả. Sự tu tập giải thoát vô dư y niết bàn là cứu cánh vô hiệu tất cả nghiệp quá khứ.

Câu 9 (TT Giác Đẳng trả lời)

Hỏi: Nếu quá khứ chúng ta đã tạo nhiều nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện thì trong hiện tại điều kiện nào khiến cho thiện nghiệp trổ quả hay ngược lại ?

Đáp:
Nghiệp quá khứ mang "khả tính" trổ quả trong đời hiện tại. Ngài Narada giải thích điều nầy y cứ theo kinh điển như sau:

Trong sự báo ứng của nghiệp ta nên biết rằng có những năng lực hỗ trợ, nâng đỡ, tạo điều kiện, trợ duyên cho quả sớm trổ sanh, và ngược lại cũng có những năng lực kiềm hãm, ngăn chặn, không cho quả trổ sanh, hay nghịch duyên.

Sự sanh trưởng (gati), thời gian hay hoàn cảnh (kala), nhân cách hay tướng mạo (upadhi), và sự nỗ lực cố gắng (payoga) là những năng lực trợ duyên hay nghịch duyên, hỗ trợ hay ngăn cản quả trổ sanh.

Thí dụ như người kia sanh trưởng trong một gia đình quý phái, giàu sang, hay trong hoàn cảnh an lành, sự tái sanh tốt ấy đôi khi là một năng lực ngăn chặn không cho quả dữ trổ sanh.
Trái lại, người nọ sanh trưởng trong gia đình nghèo khó khốn cùng, hay trong cảnh khổ, sự tái sanh bất hạnh của người nầy tạo điều kiện thuận tiện cho quả dữ trổ sanh.

Danh từ Phật Giáo gọi những năng lực ấy là "tái sanh thuận lợi" (gati sampatti) và "tái sanh bất thuận lợi" (gati vipatti).

Người kia, dầu không phải là hạng thông minh, mà nhờ có Nghiệp tốt, sanh trưởng trong hoàng tộc thì cũng được thiên hạ kính nể kiêng vì. Nếu cũng kém thông minh như người ấy mà sanh trong gia đình túng thiếu bần hàn thì ắt không được kính trọng như vậy.

Nếu nhờ Nghiệp tốt mà người kia được tái sanh thuận lợi, nhưng bất hạnh phải tật nguyền hay có tướng mạo dung nhan xấu xí thì cũng không hoàn toàn trọn hưởng phước lành của mình. Một vị hoàng tử đáng lẽ phải nối ngôi cha để trị vì thiên hạ, nhưng nếu vị ấy tật nguyền cũng có thể đó là một trở ngại, không được lên ngôi báu.

Trái lại, diện mạo phương phi là yếu tố giúp thành công. Một đứa trẻ tuy nghèo nhưng mặt mày thông minh sáng sủa có thể làm cho người khác chú ý đến và gieo ít nhiều thiện cảm đến người khác.

Thời gian hay cơ hội thuận lợi và bất thuận lợi (kalasampatti và kalavipatti) là hai yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự báo ứng của Nghiệp. Thí dụ trong một thiên tai, tất cả đều phải cùng chung chịu một số phận. Đó là điều kiện bất thuận lợi, trợ duyên cho nghiệp xấu trổ sanh. Cũng có những điều kiện thuận lợi làm suy giảm năng lực hoặc ngăn chặn không cho Nghiệp xấu trổ sanh.

Trong các năng lực trợ duyên và nghịch duyên, hạnh tinh tấn hay sự nỗ lực cố gắng (payoga) là quan trọng hơn tất cả. Trong sự báo ứng của Nghiệp, tình trạng cố gắng hay thiếu cố gắng giữ một vai trò chánh yếu. Do cố gắng trong hiện tại, ta có thể chuyển Nghiệp, tạo Nghiệp mới, hoàn cảnh mới, môi trường mới, cả một thế giới mới. (Đức Phật và Phật Pháp - bản dịch của Phạm Kim Khánh)

Câu 10 (Ni sư Liễu Pháp trả lời)

Hỏi: Phật Pháp dạy rằng tâm thái trong giây phút lâm chung quyết định cảnh giới tái sanh. Làm thế nào để có được tâm thái tốt trong giây phút quan trọng đó ?

Đáp:
Cận Tử Nghiệp là hành vi cuối cùng, hay hành vi nào mà chập tư tưởng cuối cùng nhớ đến trước khi lâm chung. Cần lưu ý rằng, các tập quán, thói quen, nhất là sự luyến ái, chấp thủ khi còn sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cận tử nghiệp. Do đó, nếu sống an lạc thì chết cũng an lạc. Sống còn khổ đau vì tham, sân, si thì đương nhiên chết cũng khổ đau như thế. Vì vậy, chúng ta cần huân tập các thiện nghiệp trong đời sống của mình để tạo thành một sức mạnh (ý lực) đoạn trừ các ác nghiệp ngay trong đời sống hàng ngày và cả đến giờ phút lâm chung. Để có sự giải thoát, ngay tại đây và bây giờ, cần phải luôn luôn hướng tâm đến với sự xả ly thanh tịnh, xóa bỏ mọi sự tham ưu ở đời. Trong các xứ Phật Giáo thường có tập tục nhắc nhở người sắp lìa trần những hành vi tốt đẹp của họ trong đời sống, hay giúp đỡ, khuyến khích họ tạo một nghiệp lành ngay trước giờ lâm chung như bố thí, đọc kinh, niệm Phật v.v... Đó là cách hữu hiệu giúp cho người từ trần có tâm thái tốt đẹp khi lâm chung.

Chúng con cung thỉnh TT Giác Đẳng từ bi hướng dẫn chương trình hôm nay. Namo Buddhaya.

________________________________________

Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)


Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .............. thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con, đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Nguyện hồi hướng phước báu pháp thí đến Ni Sư Diệu Tịnh được nhiều an lạc, tùy tâm mãn nguyện. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,

Ngày mai chúng ta sẽ có ĐỀ ÁN MÙA VU LAN (tt) do TT Giác Đẳng hướng dẫn, với sự điều hợp chương trình của các OpsMC trong room Diệu Pháp. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.

Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya

mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)

Namo Buddhaya
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Namo Buddhaya.