<body><script type="text/javascript"> function setAttributeOnload(object, attribute, val) { if(window.addEventListener) { window.addEventListener('load', function(){ object[attribute] = val; }, false); } else { window.attachEvent('onload', function(){ object[attribute] = val; }); } } </script> <div id="navbar-iframe-container"></div> <script type="text/javascript" src="https://apis.google.com/js/platform.js"></script> <script type="text/javascript"> gapi.load("gapi.iframes:gapi.iframes.style.bubble", function() { if (gapi.iframes && gapi.iframes.getContext) { gapi.iframes.getContext().openChild({ url: 'https://www.blogger.com/navbar.g?targetBlogID\x3d12421254\x26blogName\x3dB%C3%A0i+%C4%90%E1%BB%8Dc+c%E1%BB%A7a+MC\x26publishMode\x3dPUBLISH_MODE_BLOGSPOT\x26navbarType\x3dBLUE\x26layoutType\x3dCLASSIC\x26searchRoot\x3dhttps://baidocmc.blogspot.com/search\x26blogLocale\x3dvi_VN\x26v\x3d2\x26homepageUrl\x3dhttp://baidocmc.blogspot.com/\x26vt\x3d9116706110527376988', where: document.getElementById("navbar-iframe-container"), id: "navbar-iframe" }); } }); </script>

Thứ Ba, tháng 8 08, 2006

Bài Đọc ngày Thứ 3 của MC

Phần I
Lễ Tam Bảo, Phần này đọc sau khi dứt kinh tụng


Namo Buddhaya
MC1: Con ............... (...................... điền khuyết) thành kính đảnh lễ Chư Tôn Ðức Tăng Ni, thân chào tất cả quí vị hiện diện. Hôm nay ngày 08 tháng 08 năm 2006 Phật lịch 2550. Ðây là chương trình Phật Học trực tiếp thực hiện trên Paltalk mỗi ngày, giờ VN nhằm 7:30 đến 10:00 tối, giờ Houston 7:30 đến 10:00 sáng, giờ NY từ 8:30 đến 11:00 sáng, giờ Cali 5:30 đến 08:00 sáng, giờ Paris 2:30 đến 5:00 chiều, giờ Sydney 11:30 tối đến 2:00 sáng.

Kính thưa quý vị hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục ĐỀ ÁN MÙA VU LAN - 100 CÂU HỎI MÙA VU LAN - Ngày thứ Bảy với 10 câu hỏi chủ đề Khổ và Cứu khổ do TT Giác Đẳng hướng dẫn.

Mở đầu chương trình xin tất cả chúng ta trang nghiêm tam nghiệp đảnh lễ Tam Bảo.

Chúng con xin kính thỉnh Đại Đức Minh Hạnh đọc kinh Lễ Tam Bảo hôm nay. Namo Buddhaya

(Đại Đức Minh Hạnh)

Nhất tâm đảnh lễ Ðức Như Lai bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Nhất tâm đảnh lễ Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Nhất tâm đảnh lễ Chư Tăng đệ tử Thế Tôn bậc diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh, chân chánh hạnh, gồm bốn đôi tám vị, đáng nhận lễ phẩm, tặng phẩm, tế phẩm, kính lễ, là phước điền vô thượng trong đời.

Nguyện cầu uy đức Phật Bảo
Nguyện cầu uy đức Pháp Bảo
Nguyện cầu uy đức Tăng Bảo
Xin Tam Bảo gia hộ
Ngăn ngừa mọi tai ương
Những hiện tượng bất tường
Những mộng mị xấu xa
Những nghịch duyên trở ngại
Thảy đều mau tan biến
Nguyện muôn loài chúng sanh
Người khổ xin hết khổ
Người sợ hết sợ hãi
Người sầu hết sầu bi
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ
Chư Toàn Giác đại lực
Chư Ðộc Giác đại lực
Thinh Văn Giác đại lực
Nguyện tổng trì uy đức
Cầu phúc lành phát sanh (lạy)
*****************************
___________________________________________________

(MC1: .................... (................ điền khuyết) )

Kính tri ân Sư Minh Hạnh.
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa đại chúng

Bài học hôm nay:
100 Câu hỏi mùa Vu Lan

NGÀY THỨ BẢY

10 Câu hỏi về Khổ và Cứu khổ
____________

Câu 1 (TT Tuệ Siêu trả lời)

Hỏi: Phải chăng chỉ có chúng sanh trong khổ cảnh mới có đau khổ ?

Đáp: Nếu nói sự khổ là sanh, già, bệnh, chết, bất toại nguyện ... thì tất cả chúng sanh trong đời đều có thứ khổ ấy, vì đây là khổ đế, không phải chỉ có chúng sanh trong khổ cảnh mới có.

Riêng về sự khổ đau là tình trạng thân khổ tâm sầu thì chúng sanh ở bốn khổ cảnh bi đát hơn chúng sanh cõi người; loài người khổ bi đát hơn chư thiên, phạm thiên; chư thiên cõi dục thì còn thọ ưu, các phạm thiên cõi thiền thì không. So sánh như vậy để thấy chúng sanh đều có khổ do thân sanh tử, nhưng khổ thuộc cảm thọ bởi phiền não sân hoặc bởi ác nghiệp thì chỉ có chúng sanh khổ cảnh và một số nhân loại kém phước.

Câu 2 (TT Giác Đẳng trả lời)

Hỏi: Phải chăng tất cả khổ đau trong cuộc đời đều do từ nghiệp bất thiện hay có nguyên nhân nào khác ?

Đáp: Không hẳn là vậy. Quả khổ của nghiệp bất thiện chỉ là một phương diện. Sự hiện hữu của năm uẩn tự chúng vốn đã khổ lụy cho dù kết thành bởi nghiệp thiện hay bất thiện thí dụ như bản chất vô thường của tất cả pháp hữu vi. Nhận thức và phản ứng sai lạc cũng tạo nên nỗi khổ mà Phật pháp gọi là không như lý tác ý như một người quá mong muốn mình sẽ làm chủ được tất cả những gì gọi là của mình thì phải khổ vì mọi vật đều có tự tánh riêng.

Câu 3 (Ni sư Liễu Pháp trả lời)

Hỏi: Xúc động trước khổ đau của người khác có phải là đại bi tâm không ?

Đáp: Theo định nghĩa trong cuốn Vi Diệu Pháp Toát Yếu (Abhidhammatthasangaho) cái gì làm rung động trái tim của người hiền lương nhân đức trước cảnh ưu phiền của kẻ khác là Bi (Karunā), cái gì làm tan biến nỗi đau khổ của kẻ khác là Bi. Ðặc tính chánh yếu của Karunā (Bi) là lòng mong muốn giải trừ nỗi khổ đau của người khác. Như vậy xúc động trước khổ đau của người khác là một phần của tâm Bi. Trước hết phải biết đồng cảm với nỗi đau của người khác, sau đó mới vận dụng mọi phương tiện để làm vơi bớt những khổ đau của họ.

Câu 4 (TT Giác Đẳng trả lời)

Hỏi: Làm thế nào để có lòng trắc ẩn mà không bi lụy trước nỗi khổ của chúng sanh ?

Đáp:
Nói ngắn gọn là phải có đủ bốn đức từ, bi, hỉ, xã. Tâm xã - upekha - là thái độ quân bình, phải chăng đối với mọi hoàn cảnh. Chính tâm xã giúp chúng ta không buồn vui thái quá. Người ta thường quan niệm rằng càng xúc động thì chúng ta càng tích cực cứu giúp người hoạn nạn. Thực tế cho thấy về đường dài người điềm đạm thường bền bĩ trong sự cứu giúp người khác hơn là ngưòi nặng lòng bi luỵ.

Câu 5 (TT Tuệ Siêu trả lời)

Hỏi: Nói đến cứu khổ thì có thật sự là cứu được hay chỉ là ước nguyện thôi ?


Đáp: Từ “cứu khổ”, có ý nghĩa đa dạng. Cứu khổ, nghĩa là giúp giải thoát trầm luân cứu khổ, cũng có nghĩa là giúp giải trừ hoạn nạn tai ách.

Cứu khổ, cũng có nghĩa là giúp vượt qua khó khăn nghèo đói.

Khi gặp người đang đói khổ mình bố thí cho bữa ăn để người ấy no lòng, đó cũng là cứu khổ.
Thấy kẻ cô thế đang lâm vào hiểm nạn, mình ra tay tương trợ để họ thoát được nguy hiểm đó cũng là cứu khổ.

Chúng sanh vô minh sống đọa lạc, Đức Phật thuyết pháp để cảnh tỉnh họ giác ngộ, chấm dứt tử sanh. Đó cũng là cứu khổ.

Những sự kiện nầy là cứu khổ thật sự. Nếu không giúp thiết thực mà chỉ tụng niệm cầu nguyện suông thì sự cứu khổ nầy chỉ là ước nguyện.

Câu 6 (TK Tuệ Quyền trả lời)

Hỏi: Tại sao người Phật tử nói nhiều về "ban vui cứu khổ" mà ít làm việc từ thiện xã hội hơn vài tôn giáo khác ?


Đáp: Quả thật ban vui cứu khổ là một việc thiện lớn mà người đệ tử Phật cần phải thực hiện, khi chính mình tương đối yên ổn. Việc từ thiện xã hội là một phần trong nhiều điều ban vui cứu khổ.

Không phải chỉ có cái ấm no là con người hết khổ. Ở đây, giá trị thực chân nhận ra cội nguồn của sự khổ, mà Đức Phật luôn dạy chúng ta hiểu và gởi tới tha nhân cùng hiểu về cái nhân khổ đó. Đây là một việc đại từ thiện so với mọi công tác từ thiện khác.

Cũng có nhiều người đệ tử đầy đủ hào sản và thiện tâm để góp nên cho việc từ thiện bằng vật chất hay sức lực để ban vui cứu khổ đến người.

Câu 7 (Ni sư Liễu Pháp trả lời)

Hỏi: Không ai có thể tát cạn bể khổ của trần gian, vậy thì tâm nguyện "cứu khổ độ đời" có phải là một nổ lực vô vọng chăng ?


Đáp: Trước hết cần xác định rõ thế nào là tâm nguyện “cứu khổ độ đời”. Nếu đây là tâm nguyện phải cứu độ hết tất cả chúng sanh, đến khi không còn một chúng sanh nào đau khổ nữa thì bản thân mình mới chứng ngộ Niết bàn, thì đó đúng là một nỗ lực vô vọng, bởi vì ngay cả một vị Phật toàn giác cũng không làm được điều đó, vì ngài chỉ độ được cho những chúng sanh hữu duyên với ngài.

Còn nếu tâm nguyện “cứu khổ độ đời” là lấy việc phụng sự chúng sanh làm sự nghiệp tu tập để thành tựu Ba la mật cho đến ngày chứng đắc đạo quả thì có thể xem đó là một cách thức tu tập hữu hiệu, tự lợi, lợi tha.

Câu 8 (TK Tuệ Quyền trả lời)

Hỏi: Khóc nhiều có làm cho chúng ta bớt khổ không ?

Đáp:
Khóc là một cảm xúc mà mọi con người dễ gặp phải khi phải đối diện với hoàn cảnh mà chúng ta không lường trước được.

Ở cuộc đời, con người bị nhiều sự bất hạnh, mất mát, thua sút … hay mượn nước mắt để biểu cảm tâm tư của mình.

Khóc không làm cho chúng ta bớt khổ, mặt khác còn có thể nguy hại hơn về sức khỏe và tinh thần. Một người đệ tử khi gặp phải nghịch cảnh phải thật sự vững tâm và kiềm chế xúc cảm của mình, phải nhận chân sự thật: Ta phải chia lìa sự vật mà Ta thương yêu vừa lòng không sao tránh khỏi được … Sự sống và cái chết, niềm vui, nỗi buồn luôn đeo bám và chịu sự điều phối của vô thường khổ não và vô ngã … Hiểu và biết rõ như vậy chúng ta sẽ bớt khổ hơn mà không phải mượn nước mắt làm vơi đi nỗi khổ.

Câu 9 (TT Tuệ Siêu trả lời - Tinh Tấn type lại)

Hỏi: Tại sao đau khổ là một đề tài lớn trong Ðạo Phật ?

Đáp:
Câu hỏi dường như rất đơn giản, cho đến khi hỏi lại thì chúng ta phải ngập ngừng khi chúng ta quyết định để trả lời. Khổ đã trở thành một chân lý, chúng ta gọi đó là khổ đế và khổ trái ngược với hạnh phúc, chúng sanh trên đời này mong cầu hạnh phúc, chán ghét sự khổ. Trong cuộc sống của chúng ta, ngoảnh đi ngoảnh lại thì chỉ có hai mặt tức là khổ đau và hạnh phúc. Vì thế sự xuất hiện của Đức Phật, trước nhất là Ngài giải tỏa sự đau khổ chính bản thân Ngài bằng cách Giác Ngộ, chấm dứt đau khổ triền miên đó. Khi Ngài thuyết pháp, mục đích lời dạy của Đức Phật cũng nhằm để chấm dứt sự khổ như Đức Phật đã tuyên bố trong Tương Ưng Bộ kinh: “Này Chư Tỳ Kheo, xưa và nay, Như Lai đã thuyết về sự khổ … và sự diệt khổ” là hai điểm chính, những gì Đức Phật đã Giác ngộ những điều đó nằm trong Tứ đế mà khổ đế được nói đến đầu vì đó là một vấn đề cần phải được nói đến để có được một phương án chấm dứt sự khổ. Hễ có sự khổ rồi thì mới tìm nguyên nhân sanh khổ, và có sự khổ mới nghỉ đến sự diệt khổ và bấy giờ làm sao để diệt khổ mới có con đường để đưa đến sự diệt khổ đó. Con người chúng ta có hai trạng thái khỏe và bệnh, do vậy lúc nào chúng ta không khỏe tức nhiên chúng ta bị bệnh, hễ chúng ta bị bệnh thì đến người thầy thuốc, nhưng thầy thuốc này chỉ đề cập đến đề tài lớn là bệnh do nguyên nhân gì và phương thuốc gì để hết bệnh. Như vậy, ở đây trong cuộc sống của chúng ta là khỏe và bệnh là đề tài lớn, cũng vậy trong chúng sanh chỉ có hai mặt hạnh phúc và khổ đau, hễ mất hạnh phúc tất nhiên là khổ đau. Do vậy cho nên Đạo Phật là tìm phương pháp để chấm dứt khổ đau đó, thành ra khổ đau mới trở thành đề tài lớn trong Phật giáo. Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi số 9 là như vậy.

Câu 10 (TK Pháp Đăng trả lời - Tinh Tấn type lại)

Hỏi: Bi nguyện có phải là nguyện lớn nhất trong Ðạo Phật không ?

Đáp:
Nói về chân lý hay nói về sự thực hành của các vị Chánh Đẳng Chánh Giác, có những sự thực hành lợi ích cho mình, lợi ích cho quyến thuộc và lợi ích cho chúng sanh. Trên sự thực hành đó, Ngài đã thực hành trong vô lượng kiếp, mỗi kiếp Ngài đều giúp ích cho những người có duyên lành đến với Ngài, chứ không phải Ngài có thể giúp hết tất cả được. Khi Ngài sanh vào cảnh giới tương đối thông minh có, trí tuệ và điều kiện để Ngài có thể giúp đỡ thì Ngài không bao giờ từ nang, nhưng có những lúc Ngài sanh trong cảnh giới khổ đau. Ngài nói trong bài kinh Hiền Ngu, Ngài nói khổ đau này là chính ta thấy và ta biết và Ngài thực hành bi nguyện, một trong sáu loại trí là Đại bi định trí của Đức Phật. Ngài quán xét chúng sanh do nghiệp duyên gì, sở hành nào, khuynh hướng nào mà chúng sanh bị rơi rớt vào khổ cảnh, và bây giờ chúng sanh phải tu những phương pháp nào, Ngài phải giảng bài pháp nào, nói pháp môn nào để cho họ tu tập. Khi thành Phật quả, Ngài mới hoàn toàn có khả năng, có 6 trí dành riêng cho vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì Ngài khai triển toàn diện để Ngài độ, nhưng Ngài độ chỉ có chúng sanh hữu duyên thôi. Trong các ân đức, chúng ta thấy Purisadammasārathi (Điều Ngự Trượng Phu) thì Đức Thế Tôn chỉ điều phục chúng sanh hữu duyên thôi, những chúng sanh nào biết nỗi khổ này do lòng tham ái. Ngài đã thực hành vì bi nguyện độ cho chính bản thân, quyến thuộc và chúng sanh thực hành theo. Ngài không thể làm gì hơn cho những người không thực hành theo được, những chúng sanh đó gọi là vô duyên với Đức Phật. Trong (Túc sanh truyện) những kiếp Bồ Tát như làm khỉ, dã can, thỏ…, thì Ngài sanh làm con thỏ, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên cũng sanh làm thỏ nhưng dưới sự hướng dẫn của Bồ Tát. Trong những câu chuyện Ngài làm súc sanh, Ngài cũng có trí tuệ, giảng những phương pháp nào để thực hành. Thí dụ có câu chuyện Đức Vua giết những con chó ở ngoài thành, lúc đó Đức Bồ Tát trong kiếp làm con chó ở ngoài thành, Ngài mới nói với Đức Vua: “… là đừng tư vị vì thương, vì ghét, vì si mê, vì sợ … Đức Vua hãy công chính liêm minh mà xử, những con chó nội thành cắn dây cương để những con chó ngoại thành không vào được mà Đức Vua chỉ truy xét những con chó ngoại thành, như vậy, Đức Vua không công chính liêm minh, không thuận theo pháp và không phước báu, chỉ đem lại sự đau khổ cho súc sanh ở ngoài thành mà thôi.” Như vậy, bất luận kiếp nào Ngài sanh ra Ngài nói với người nào mà người đó thực hiện được, Ngài nói những gì Ngài cần nói, Ngài dạy những gì Ngài cần dạy, Ngài giảng dạy lòng tham, sân, si, lòng dục… hại đến nhân vô vàng thì họ nhìn nhận lòng tham, sân si đó mà tu tập với phương pháp từ bỏ. Những chúng sanh hữu duyên để Ngài độ, nhưng ngay cả quyến thuộc cũng không phải được Ngài độ hết, có những người Ngài cũng không độ được như Vua Thiện Giác, Đề Bà Đạt Đa …. là những người trong vòng thân tộc nội ngoại. Đức Phật chỉ độ những người hữu duyên và những người biết thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Ngài không thể nào độ hết tất cả chúng sanh hết khổ thì điều này không bao giờ có. Những chúng sanh như loài kiến có nhiều kiếp đến quả địa cầu đi nữa vẫn là kiến, không thể làm sao với những chúng sanh đó, trừ khi nếu chúng sanh đó tiến hóa, nghe lời dạy và thiện tâm tăng trưởng lần hồi có duyên cũng đến giác ngộ. Những chúng sanh vô duyên thì Ngài để lại Tam Tạng: Kinh, Luật, Luận để hành theo, để lại Tăng chúng để hoằng truyền “Từ Bi” đối với chúng sanh nào có nghe, có học hành theo lời dạy của bậc Giác Ngộ và tạo duyên để Giác ngộ. Như vậy, lòng đại bi của Đức Phật cũng ở mức độ nào đó, các vị đệ tử của Ngài cũng kế thừa Giác ngộ để giảng dạy Phật ngôn, thiện nghiệp giúp đỡ chúng sanh bằng chánh pháp. Đó là đại bi to lớn mà Ngài làm được là cố giúp để chúng sanh nghe lời dạy của Đức Phật mà thoát khỏi khổ đau, giải thoát luân hồi. Ngài nói trong Tương Ưng Bộ Kinh, vì có sanh nên biết bao nhiêu nỗi khổ, nếu vô sanh thì không có bao nhiêu nỗi khổ đó. Đức Phật đã triển khai pháp vô sanh đó, là nhân diệt trừ tham ái chấm dứt khổ hiện hữu và khổ tương lai. Tóm lại, Bi nguyện của vị Chánh Đẳng Chánh Giác được thể hiện độ chúng sanh có duyên, và những chúng sanh còn luân hồi thì những vị đệ tử Ngài có duyên độ, những chánh pháp mà Đức Phật để lại cũng làm duyên để độ cho chúng sanh đó. Những chúng sanh ác, tật đố, tà kiến chấp sai… không bao giờ giác ngộ và phải rơi rớt vào khổ cảnh, Đức Phật không làm gì được hơn với những người đó. Mỗi pháp đều có thực tính của nó, ác pháp luôn đưa đến đau khổ và thiện pháp luôn đưa đến an vui. Đây là câu số 10 như đã trình bày trên.

Chúng con cung thỉnh TT Giác Đẳng hướng dẫn chương trình hôm nay. Namo Buddhaya.

________________________________________

Phần II:
Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)

Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con ............. thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con , đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Nguyện hồi hướng phước báu pháp thí đến Ni Sư Diệu Tịnh được nhiều an lạc, tùy tâm mãn nguyện. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục Đề án 100 câu hỏi mùa Vu Lan - ngày thứ Tám với 10 câu hỏi (tt) do TT Giác Đẳng hướng dẫn, với sự điều hợp chương trình của các OpsMC trong room Diệu Pháp. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.

Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya

mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)

Namo Buddhaya
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Kính chào tạm biệt tất cả, xin hẹn ngày mai vào giờ thường lệ. Xin được phép đóng room trong vài giây tới. Namo Buddhaya.